Thiệt hại nghìn tỷ do mưa lớn: Ngành than là nạn nhân hay thủ phạm?

(Dân trí) - Trận mưa lũ vừa qua tại Quảng Ninh, TKV đã gặp nhiều thiệt hại về tài sản và vật chất, ước tính lên tới 1.200 tỷ đồng. ThS. Đỗ Thanh Bái, Hội hoá học Việt Nam cho rằng, để xảy ra hậu quả như vừa rồi, ngành than "vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm”.

 

vinacomin-e0bd5
Ước tính, ngành than thiệt hại 1.200 tỷ đồng trong trận mưa lũ vừa qua tại Quảng Ninh.

Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), trong trận mưa lũ vừa qua tại Quảng Ninh, TKV đã gặp nhiều thiệt hại về tài sản và vật chất, ước tính lên tới 1.200 tỷ đồng. Mưa lớn kéo dài khiến nhiều đơn vị ngành than phải ngừng sản xuất, một số mỏ than ngập nặng, các tầng khai thác bị sạt lở… thiệt hại nặng nề.

Nhìn nhận về những thiệt hại của ngành than, tại buổi toạ đàm về vấn đề “Ứng phó thảm hoạ môi trường từ khai thác than”, ThS. Đỗ Thanh Bái, Hội hoá học Việt Nam cho rằng, để xảy ra hậu quả như vừa rồi, ngành than "vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm”.

“Những năm vừa qua, TKV đã tăng mức đầu tư nhất định trong việc thực hiện các giải pháp công nghệ nhằm tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác than. Tuy nhiên, mức độ đầu tư cũng như các biện pháp thực hiện chưa tương xứng với quy mô, tốc độ khai thác”, ông Bái nói.

Theo ông Bái, thống kê thiệt hại có thể thấy, có nhiều lỗi là do rủi ro của thiên nhiên nhưng nếu có sự đầu tư tốt ngay từ đầu sẽ hạn chế được.

“Ví dụ sự cố sụt nhà ở Mông Dương, hôm tôi đến, bãi thải này rất nguy hiểm nhưng nếu chủ đầu tư và chính quyền gia cố bãi thải đúng đủ quy trình, khả năng hậu quả sẽ thấp đi. Với những ngôi nhà được xây dựng trên thành phố Hòn Gai, nếu có sự đánh giá rủi ro với tầm nhìn xa hơn và dám nhìn thẳng sự thật khả năng thiệt hại sẽ thấp đi. Thảm hoạ do trời nhưng lý ra chúng ta có thể giảm nhẹ được”, ông nhấn mạnh.

Trước đề xuất xin ưu đãi về thuế, phí của TKV, ông Bái cho rằng, không nên chấp nhận ưu đãi về thuế phí cho TKV bởi ngành cần phải chấp nhận giảm lợi nhuận, thậm chí là "âm" để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, không nên nhìn ngành than như tội phạm bởi trong 15-20 năm qua, TKV đã có nhiều đóng góp cho công cuộc bảo vệ môi trường và đóng góp cải thiện hạ tầng, công nghệ cho tỉnh Quảng Ninh.

Còn theo TS Đào Trọng Hưng, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho rằng, chuyện có ưu đãi hay không cho ngành than chưa bàn tới mà quan trọng hơn là tính minh bạch của ngành. Trong chuỗi giá trị của ngành than rất khó có thể lượng hoá được trong khi những ưu đãi cho ngành này đi kèm với cả “lợi ích nhóm”, “quyền lực đen”.

“Câu chuyện theo tôi là chưa minh bạch. Về sản lượng, ai đánh giá? Thuế cũng phải dựa trên sản lượng, sản lượng chưa đủ minh bạch thì chưa thể minh bạch được thuế, phí. Tương như như bauxite, vì không minh bạch nên chẳng có gì là ưu đãi hay không ưu đãi cả”, ông Hưng nói.

Để giảm nhẹ thiệt hại, các chuyên gia cũng cho rằng, cần phải xem lại công tác quy hoạch, từ quy hoạch đô thị, dân cư và khai thác. Tiếp đó, là phải nhận diện nguy cơ rồi có các kịch bản ứng phó phù hợp. Công tác phục hồi môi trường cũng cần phải thực hiện tốt chứ không thể chỉ làm kiểu đối phó như trước đây.

Phương Dung

 

Thiệt hại nghìn tỷ do mưa lớn: Ngành than là nạn nhân hay thủ phạm? - 2