1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thị trường vốn đang ''lâm nạn''

Việc huy động vốn của Nhà nước để đầu tư cho nền kinh tế thông qua phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu đô thị không thể thực hiện được. Việc đẩy nhanh sự phát triển thị trường chứng khoán vẫn giẫm chân tại chỗ.

Lãi suất và tốc độ gia tăng của nó đang tác động tiêu cực đến thị trường vốn. Ảnh hưởng rõ nhất có thể thấy là việc huy động vốn của Nhà nước để đầu tư cho nền kinh tế thông qua phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu đô thị không thể thực hiện được.

 

Trong khi đó, việc đẩy nhanh sự phát triển thị trường chứng khoán nhằm tạo kênh huy động vốn mới tiếp tục giẫm chân tại chỗ.

 

Trái phiếu bán chậm

 

Năm nay, theo kế hoạch, Nhà nước phải phát hành 38.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ để có tiền bù đắp thiếu hụt ngân sách và chi cho đầu tư phát triển, chủ yếu cho các công trình cơ sở hạ tầng. Thế nhưng đã hết tháng 8, mới chỉ 10.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ bán được.

 

Gần đây nhất, hai đợt đấu thầu trái phiếu đô thị TPHCM đều không có người mua. Trước đó số doanh nghiệp, ngân hàng tham gia các đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ ở Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TPHCM cũng rất thưa thớt.

 

Trái phiếu chính phủ ế hàng vì lãi suất thấp. Lãi suất trần trong các cuộc đấu thầu trái phiếu thường thấp hơn 0,2-0,4 điểm phần trăm/năm so với lãi suất mà các đơn vị tham gia đấu thầu đưa ra.

 

Hiện lãi suất trái phiếu được các ngân hàng thương mại, công ty tài chính giao dịch ở mức 9,7-9,75%/năm, nhưng đã có những dự báo với nhu cầu vốn đang tăng mạnh, đầu năm 2006, lãi suất trái phiếu có thể “nhảy” lên 11%/năm, và đến cuối năm sau nó có khả năng vượt mức 11,5%/năm.

 

Bộ Tài chính, nơi được giao trách nhiệm xây dựng thị trường vốn dài hạn, đang tỏ ra lo lắng. Được biết, từ giữa tháng 8/2005 Bộ Tài chính đã tính toán để nâng lãi suất trái phiếu chính phủ lên 0,1 hoặc 0,2 điểm phần trăm, tức có thể lên đến 9,4%/năm so với mức trần 9,2%/năm vài tuần trước đó.

 

Nhưng Bộ Tài chính chưa kịp tăng lãi suất trái phiếu thì ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã cho phép các chi nhánh nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng lên 9,6%/năm (tức 0,8%/tháng, bằng cách trả lãi trước, ngay khi gửi tiền).

 

Động thái của Agribank đã buộc Bộ Tài chính nâng trần lãi suất đợt đấu thầu trái phiếu đô thị TPHCM đợt ba, ngày 18/8/2005, lên 9,45%/năm nhưng trái phiếu vẫn không bán được bởi hai đơn vị tham gia đấu thầu đã bỏ thầu lãi suất một ở mức 9,55%/năm, một ở mức 9,6%/năm.

 

Ở một phía khác, Ngân hàng Nhà nước, người chịu trách nhiệm về thị trường tín dụng ngắn và trung hạn, cũng bắt đầu có những động thái “xử lý” lãi suất. Trước hết, lãi suất cơ bản của đồng Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước công bố hàng tháng vẫn giữ nguyên, ở mức 0,65%/tháng, tức 7,8%/năm.

 

Một mặt Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các ngân hàng thương mại thận trọng khi tăng lãi suất, mặt khác thông qua Hiệp hội ngân hàng đề nghị các tổ chức tín dụng cùng ngồi lại, thỏa thuận một khung lãi suất hợp lý.

 

Không giống như Bộ Tài chính, trực tiếp quyết định lãi suất trái phiếu, Ngân hàng Nhà nước ở vào một vị thế tế nhị hơn, không thể chỉ đạo các ngân hàng phải dừng lãi suất ở mức này, mức nọ. Đơn giản vì bây giờ các tổ chức tín dụng có quyền tự chủ kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về điều đó.

 

Cuộc họp khẩn của Hiệp hội ngân hàng với các thành viên đã thống nhất một trần lãi suất mới áp dụng từ đầu tháng 9/2005, tăng 0,02 điểm phần trăm/tháng ở các kỳ hạn so với trần lãi suất cũ. Tuy nhiên, việc thực hiện thỏa thuận lãi suất trong khuôn khổ Hiệp hội ngân hàng khá mong manh. Một số ngân hàng ngay sau cuộc họp đã tuyên bố sẽ tăng lãi suất tiền gửi bằng những hình thức huy động mới.

 

Không phải ngẫu nhiên các ngân hàng tăng lãi suất. Giới kinh doanh tiền tệ hiểu rõ hơn ai hết rằng tăng lãi suất đầu vào, họ sẽ phải tăng lãi suất đầu ra và một khi lãi suất cho vay càng cao, rủi ro tín dụng càng lớn.

 

Vấn đề chính là ở chỗ nhu cầu vốn đang rất “nóng”. Ngoài việc nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh, cần nhiều vốn, không thể không tính đến một yếu tố khác. Đó là trước sức ép lạm phát và sự gia tăng giá nguyên nhiên liệu, không ít doanh nghiệp đã chủ động vay tiền, trữ nguyên liệu cho mùa vụ sản xuất cuối năm. Họ hoàn toàn có lý khi tính toán rằng vay ngân hàng bây giờ thực ra có lợi, bởi lãi suất thực hiện nay thấp hơn nhiều so với lãi suất thực của hai, ba năm trước.

 

Năm 2002-2003 lãi suất cho vay của các ngân hàng khoảng 10-11%/năm, nhưng lạm phát thấp nên lãi suất thực khoảng 9-10%/năm. Năm nay lãi suất cho vay khoảng 13%, nhưng lạm phát cao, khiến lãi suất thực chỉ 6-7%/năm.

 

Như vậy, xét trong mối tương quan lạm phát, “giá” vốn vay đang rẻ hơn chứ không đắt lên.

 

Sử dụng quyền của cổ đông nhà nước

 

Trong bối cảnh trái phiếu không hấp dẫn, thường các nhà đầu tư sẽ chú ý đến cổ phiếu và giá cổ phiếu có thể tăng. Song, giao dịch cổ phiếu trên sàn gần đây vẫn tiếp tục trầm lắng. Đơn giản vì hàng hóa quá nghèo nàn, giới đầu tư không có nhiều lựa chọn để mua, bán.

 

Trong khi đó, chênh lệch quy mô giữa thị trường chính thức và thị trường OTC (cổ phiếu chưa niêm yết) ngày càng dãn rộng. Tám tháng qua, sàn giao dịch Tp.HCM có thêm 4-5 doanh nghiệp niêm yết, nhưng thị trường OTC đã có thêm cổ phiếu của 129 doanh nghiệp cổ phần hóa, chưa kể các công ty cổ phần mới thành lập.

 

Một nhà đầu tư nước ngoài nhận xét: “Những vấn đề của thị trường vốn đang làm các quan chức Bộ Tài chính đau đầu. Vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đã chuyển đổi sở hữu không được quản lý một cách hệ thống. Bao nhiêu ông chủ (cơ quan chủ quản) đại diện cho một ông chủ Nhà nước. Điều này cản trở sự phát triển của thị trường vốn, quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp quốc doanh. Phát triển thị trường vốn càng trở nên bức thiết hơn khi việc gia nhập WTO đang rất gần và thời gian bảo hộ cho lĩnh vực tài chính không còn bao lâu”.

 

Trả lời phỏng vấn báo giới, thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm khẳng định Nhà nước sẽ làm mạnh, kể cả việc sử dụng quyền của cổ đông nhà nước tại các công ty cổ phần để tạo hàng cho thị trường chứng khoán.

 

“Chính phủ đã công bố danh mục các doanh nghiệp phải bán bớt cổ phần nhà nước hoặc kết hợp cổ phần hóa với niêm yết. Bộ Tài chính đã cử các đoàn cán bộ xuống tận các địa phương, đến tận các tổng công ty để phối hợp vừa chỉ đạo, vừa đốc thúc doanh nghiệp lớn, có tính hấp dẫn cao, lên sàn. Chuyện còn lại là bản thân doanh nghiệp và đơn vị chủ quản phải tích cực thực hiện. Bộ cố gắng, nhưng bộ cũng phải chờ hồ sơ doanh nghiệp gửi lên mới làm thủ tục niêm yết được”, bà Tâm nói.

 

Đề cập đến chế tài bắt buộc doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán, bà Tâm nhấn mạnh: “Về niêm yết, doanh nghiệp còn chịu áp lực lớn của cổ đông. Vì thế luật Chứng khoán tới đây sẽ quy định việc chế tài niêm yết cụ thể”.

 

Mới đây nhất, trong các cuộc thảo luận với giới chức tài chính, một nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã đưa ra sáng kiến đề nghị Nhà nước chọn 10-20 công ty lớn trong danh mục doanh nghiệp đã công bố.

 

Bộ Tài chính, với tư cách cổ đông nhà nước nắm cổ phần chi phối, sẽ triệu tập đại hội cổ đông bất thường ở những đơn vị đó và đại diện cổ đông nhà nước sẽ biểu quyết niêm yết.

 

Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ hỗ trợ những công ty này chi phí kiểm toán; các công ty chứng khoán sẽ hỗ trợ tư vấn niêm yết, lập bản cáo bạch, công bố thông tin. Sự phối hợp từ nhiều phía sẽ đẩy nhanh quá trình niêm yết và có khả năng đưa lên sàn ít nhất 10 doanh nghiệp trước cuối năm nay.

 

Chưa thấy Bộ Tài chính có phản hồi chính thức về sáng kiến này.

 

Theo TBKTSG