"Thị trường vàng đang có dấu hiệu bị làm giá"
Bất chấp việc giá vàng trên thị trường thế giới liên tục giảm sâu, giá vàng trong nước vẫn duy trì ở mức giá cao hơn giá vàng thế giới tới trên 4 triệu đồng mỗi lượng khiến người mua vàng gặp nhiều rủi ro.
Liên tục tăng giá rồi lại giảm mạnh, giá vàng trên thị trường thế giới vào chiều tối nay (16/3) tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 1.519,3 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá của Vietcombank cùng thời điểm, giá vàng thế giới hiện tương đương 42,4 triệu đồng/lượng, chưa bao gồm các chi phí nhập khẩu và chế tác.
Xu hướng giảm của giá vàng trên thị trường thế giới trong các ngày gần đầy được giải thích là do tác động của các đợt bán tháo ồ ạt bắt đầu xuất hiện từ tuần qua, đặc biệt kể từ thời điểm thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1987 trong các ngày 11 - 12.3.
Các cuộc gọi ký quỹ và thua lỗ ở các thị trường khác dường như đang tiếp tục thúc đẩy các nhà đầu tư phải tìm kiếm nguồn tiền mặt bù lỗ và vàng là vị thế thanh khoản mà họ đang chọn để rút tiền.
Điều bất ngờ là bất chấp xu hướng liên tục đi xuống của giá vàng thế giới, các doanh nghiệp trong nước trong suốt nhiều ngày qua và thậm chí cho đến thời điểm chiều ngày 16.3 vẫn duy trì giá vàng bán ra ở mức rất cao.
Tại các doanh nghiệp như PNJ, Bảo tín Minh Châu hay ngay tại SJC, giá vàng miếng SJC bán ra hiện phổ biến trong khoảng 46,60 – 46,83 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới quy đổi từ 4,2 triệu đồng đến 4,42 triệu đồng mỗi lượng.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam – đánh giá, đây là mức chênh lệch cao nhất từng được ghi nhận trong suốt 8 năm qua, tính từ thời điểm SJC trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia.
“Tôi cho rằng mức chênh lệch trên xuất phát từ thực tế là mức giảm giá của các doanh nghiệp trong nước không nhiều và không theo kịp mức giảm của giá vàng trên thị trường thế giới. Nguyên do sâu xa hơn là người bán vàng hay các doanh nghiệp không muốn giảm giá quá sâu nhằm phòng ngừa các rủi ro biến động về giá trên thị trường cũng như các rủi ro tỉ giá của đồng USD” – ông Phan Dũng Khánh phân tích.
Một diễn biến đáng chú ý khác là chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra vào chiều 16.3 cũng đang bị các doanh nghiệp trong nước đẩy lên rất cao, xấp xỉ gần 1 triệu đồng mỗi lượng tại SJC (45,90 – 46,83 triệu đồng/lượng) và thậm chí lên tới 1,6 triệu đồng mỗi lượng tại PNJ (45,20 – 46,80 triệu đồng/lượng)
Đây cũng là diễn biến rất hiếm thấy trong những năm gần đây. Đặc biệt là từ khi thống nhất thương hiệu vàng miếng quốc gia SJC đến nay, thị trường thường chỉ thấy mức chênh lệch cả triệu đồng mỗi lượng ở vàng 9999.
“Ở đây có thể nhận thấy là đang có dấu hiệu làm giá của những người bán vàng với mục đích vừa phòng ngừa rủi ro biến động giá của thị trường, nhưng cũng vừa nhằm tối ưu lợi nhuận khi kéo chênh lệch giá mua bán lên tới cả triệu đồng mỗi lượng” – ông Phan Dũng Khánh bình luận.
Theo Lam Duy
Lao động