Thị trường vàng: 2 chiều hướng, 4 hiện tượng

Diễn biến thị trường vàng trong nước đang cho thấy 4 hiện tượng và 2 chiều hướng có thể xảy ra trong những tháng cuối năm.

Giá vàng trong nước tăng liên tục và tăng với tốc độ cao trong gần 11 năm, cao gấp hơn 3 lần tốc độ tăng của giá tiêu dùng (7,3 lần so với 2,2 lần); trong đó năm 2009 lên tới 64,32%, năm 2010 tăng 30%.

 

Bước sang năm 2011, với nhiều giải pháp quản lý điều hành vĩ mô, nhất là đối với thị trường ngoại tệ, thị trường vàng ở trong nước đã ổn định trở lại, với 3 biểu hiện chủ yếu.

 

Một là, tốc độ tăng của giá vàng đã chậm lại (sau 6 tháng chỉ tăng 5,18% - thấp chưa bằng một nửa tốc độ tăng 13,29% của giá tiêu dùng).

 

Hai là, giá vàng trong nước đã chuyển từ vị thế luôn luôn cao hơn, sang thường xuyên thấp hơn giá vàng thế giới.

 

Ba là, hiện tượng tái xuất vàng xuất hiện, tăng cao vào tháng 5, tháng 6 (kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm, nếu 4 tháng đầu năm là 106 triệu USD, thì tháng 5 lên đến 242 triệu USD, ước tháng 6 lên đến 630 triệu USD và tính chung 6 tháng lên đến 1027 triệu USD).

 

Tuy nhiên, trong mấy hôm nay, đặc biệt là từ sáng ngày 13/7, giá vàng trong nước đã vượt qua mốc 39 triệu đồng/lượng, vượt xa so với đỉnh điểm 38,5 triệu đồng/lượng trước đây.

 

Giá vàng trong nước tăng đột biến, vượt đỉnh cũ, chủ yếu do sự  biến động của giá vàng trên thế giới. Giá  vàng trên thế giới vào trưa ngày 14/7 (giờ Việt Nam) đã lên mức 1586,4 USD/ounce, vượt xa so với đỉnh điểm 1577 USD/ounce vào đầu tháng 5.

 

Giá vàng thế giới tăng mạnh do hai yếu tố.

 

Thứ nhất, cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu chưa giải quyết xong thì nay lại đứng trước nguy cơ lan rộng sang nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực là ý và lớn thứ 4 khu vực là Tây Ban Nha. Tình hình này đã làm cho đồng Euro tiếp tục bị giảm giá so với USD, làm đồng vốn tìm nơi trú ẩn là vàng.

 

Thứ hai, Mỹ tiếp tục gặp khó khăn, khi tỷ lệ thất nghiệp cao trở lại, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại sau khi kết thúc gói kích thích QE3 600 tỷ USD, đặc biệt khi thời hạn nới trần hay không nới trần nợ công đã đến gần mà cuộc tranh luận ở lưỡng viện vẫn chưa ngã ngũ.

 

Với giá vàng thế giới 1.586,4 USD/ounce, với tỷ giá bán ra trên thị trường chính thức hiện ở mức 20.610 VND/USD và tính thêm gần 1% chi phí, thuế, lãi, thì giá vàng thế giới theo VND sẽ vào khoảng 39,7 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng bán ra ở trong nước khoảng 700 nghìn đồng/lượng.

 

Có hai khả năng có thể xảy ra. Một, giá vàng trong nước có thể còn tăng tiếp để ngang bằng với giá vàng thế giới. Hai, giá vàng thế giới cao sẽ làm cho những quỹ đầu tư vàng lớn sẽ bán ra chốt lãi, sẽ làm cho giá vàng trên thế giới giảm trở lại. Khi đó giá vàng ở trong nước sẽ không tăng mà còn giảm xuống.

 

Giá vàng thế giới tăng lại diễn ra gần như cùng một dịp với 4 hiện tượng gần đây ở trong nước. Đó là:

 

Một, thị trường bất động sản giảm mạnh cả về số  lượng giao dịch, cả về giá cả. Lượng vốn  ở thị trường này đang ra nhiều hơn vào; cung đang lớn hơn cầu...

 

Hai, thị trường chứng khoán lình xình. VN-Index đã xuống dưới mốc 419 điểm, giảm tới 14% so với đầu năm; HNX xuống dưới 72% so với điểm xuất phát; UpCOM còn xuống dưới 1/3 điểm xuất phát.

 

Ba, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính theo tháng đã tăng chậm lại trong tháng 5 và tháng 6, hình thành xu hướng tháng sau tăng thấp hơn tháng trước, nay do giá  thực phẩm tăng cao, sẽ có nguy cơ quay trở lại xu hướng của 4 tháng đầu năm: tốc độ tăng trong tháng sau cao hơn tháng trước.

 

Bốn, lãi suất tiết kiệm bắt đầu có xu hướng giảm xuống, cộng với các tín hiệu khác (lãi suất trái phiếu Chính phủ, lãi suất trên thị trường mở giảm) tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay. Nay giá vàng tăng cao, nếu tới đây giảm xuống sẽ hút một lượng tiền vào đây, làm xuất hiện trở lại xu hướng tìm đến nơi trú ẩn là vàng.

 

Theo Dương Ngọc

VnEconomy

Dòng sự kiện: Giá vàng tăng phi mã