1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thị trường trái phiếu phục hồi, tiềm năng phát triển ra sao?

Thảo Thu

(Dân trí) - Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam chiếm khoảng 13% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực, cho thấy dư địa tăng trưởng của thị trường còn lớn.

Thị trường trái phiếu khởi sắc trở lại

Thị trường trái phiếu Việt Nam đang dần "ấm lại". Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), có 22 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 8/2023 với tổng giá trị 25.055 tỷ đồng. 

Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 132.358 tỷ đồng. Trong đó, 17 đợt phát hành công chúng trị giá 16.500 tỷ đồng, chiếm 12,4% tổng giá trị phát hành và 101 đợt phát hành riêng lẻ trị giá gần 116.000 tỷ đồng, chiếm 87,6%.

Nếu giai đoạn đầu năm nay thị trường gần như vắng bóng các đợt phát hành trái phiếu ra công chúng thì từ tháng 3 đã khởi sắc trở lại.

Nhận định nguyên nhân khiến thị trường có sự phục hồi đáng kể, bà Nguyễn Thị Hoạt - Phó tổng giám đốc Chứng khoán kỹ thương (TCBS), công ty con của Techcombank - cho biết năm 2023, Chính phủ đã ban hành một số quy định mới về trái phiếu doanh nghiệp nhằm giải quyết những khó khăn tạm thời cho doanh nghiệp phát hành, đồng thời khôi phục niềm tin của thị trường.

Đơn cử, Nghị định 08 cho phép đàm phán lại kỳ hạn trái phiếu, trả nợ bằng tài sản khác, hoãn thực hiện các quy định về xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp, thời gian phân phối, xếp hạng tín nhiệm đến hết năm 2023.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02 cho phép giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản có thể tiếp tục vay ngân hàng thực hiện dự án, qua đó tạo cơ sở trả lãi và gốc trái phiếu.

"Đồng thời, cơ quan này ban hành Thông tư 03, ngưng thi hành một số điều tại Thông tư 16, qua đó tạm thời gỡ nút thắt thanh khoản trên thị trường khi cho phép các tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp mà không cần chờ sau một năm", bà Hoạt nói thêm.

Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện sửa đổi Thông tư 16 nhằm tạo hành lang pháp lý dài hạn hơn cho các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Thị trường trái phiếu phục hồi, tiềm năng phát triển ra sao? - 1

Thị trường trái phiếu có sự phục hồi đáng kể (Ảnh: Mạnh Quân).

Còn về phía tổ chức phát hành, đại diện TCBS cho rằng các doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, tình hình kinh doanh ổn định vẫn trả gốc và lãi đúng hạn, thậm chí mua lại trái phiếu trước hạn, đây là yếu tố quan trọng nhất cho việc ổn định tâm lý nhà đầu tư.

"Đối với những tổ chức gặp khó khăn về dòng tiền, Nghị định 08 mở ra hành lang pháp lý để đàm phán lại về các điều khoản, điều kiện trái phiếu, phổ biến nhất là kéo dài thời hạn trái phiếu", bà Hoạt nhận định.

Thị trường trái phiếu còn tiềm năng trong thời gian tới?

Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng hiện đã giảm khoảng 3-4% so với đầu năm, thị trường trái phiếu dần được quan tâm, trở thành kênh đầu tư tiềm năng cho người dân. Nhiều nhà đầu tư chọn đầu tư trái phiếu uy tín là ưu tiên hàng đầu.

Bà Nguyễn Thị Hoạt phân tích, việc chọn tổ chức phát hành trái phiếu có mức độ xếp hạng tín nhiệm cao hơn sẽ an toàn hơn cho các trái chủ.

Như tại TCBS, để một trái phiếu được chào bán đến công chúng, các mã này phải trải qua thẩm định, sàng lọc, theo dõi và quản trị rủi ro chặt chẽ theo quy trình đầu tư trái phiếu của Techcombank.

Thị trường trái phiếu phục hồi, tiềm năng phát triển ra sao? - 2

Nhà đầu tư nên chọn lọc trái phiếu từ các tổ chức phát hành minh bạch và đơn vị phân phối uy tín, theo đại diện TCBS (Ảnh: HL).

Lãnh đạo TCBS nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam những năm qua phát triển với tốc độ nhanh, từng bước trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp và nền kinh tế, theo xu hướng chung của thế giới.

Theo bà Hoạt, yếu tố tiên quyết là tính minh bạch thông tin của thị trường. Nhà đầu tư cần được tiếp cận thông tin đầy đủ đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và tình hình tài chính của tổ chức phát hành. Việc này giúp nhà đầu tư có đủ dữ liệu trước khi quyết định đầu tư, từ đó giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của thị trường này, trong đó có việc ban hành Chiến lược tài chính đến năm 2030, với mục tiêu nâng quy mô dư nợ trái phiếu doanh nghiệp lên mức 20% GDP vào năm 2025 và 25% GDP vào năm 2030.

Theo thống kê, cuối năm 2022, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam chiếm khoảng 13% GDP. "Con số này thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực, cho thấy dư địa tăng trưởng của thị trường còn rất lớn", bà Hoạt nhận định.

"Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại HNX vận hành cũng sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới, bền vững hơn", bà Hoạt nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm