Thị trường thiết bị vệ sinh sôi động vào mùa

(Dân trí) - Mùa xây dựng cuối năm bao giờ cũng là dịp để thị trường thiết bị vệ sinh sôi động. Khi đời sống người dân được nâng cao thì quan niệm về sự sang trọng của ngôi nhà không chỉ có phòng khách mà còn được thể hiện qua…toilet.

Nắm bắt được tâm lý nội thất phòng tắm thể hiện sự sang trọng của ngôi nhà đã khiến cho các công ty trong và ngoài nước bắt đầu chạy đua với đủ loại mẫu mã phục vụ người tiêu dùng mùa xây dựng năm nay.

Đa chủng loại - nhiều cấp giá

Dạo quanh các khu phố chuyên kinh doanh các mặt hàng thiết bị vệ sinh thời gian này nhận thấy các cửa hàng đã chuẩn bị cho một “mùa” kinh doanh mới khá sôi động. Rất nhiều cửa hàng mới được sửa sang, nhiều showroom được mở ra và nhất là vô vàn mẫu mới được trưng bày.

Theo tư vấn của các chuyên gia xây dựng để đánh giá thiết bị sứ vệ sinh, người mua cần dựa vào các chỉ tiêu: độ hút nước, bề dày xương; mặt men ít sạn và lỗ mọt. Dựa vào các chỉ tiêu chất lượng, một bộ thiết bị vệ sinh ngoài hình thức còn phải thoát mạnh, cấp nhanh, tiết kiệm nước, không gây ra tiếng ồn...

 

Một điều lưu ý là khi mua thiết bị vệ sinh khách hàng cũng cần chú ý các linh kiện kèm theo đề phọ̀ng thiếu hoặc linh kiện không đúng chủng loại, không đồng bộ sẽ dẫn tới trục trặc khi sử dụng.

Xu hướng của phần lớn người tiêu dùng hiện nay là đến các đại siêu thị, trung tâm trưng bày VLXD để lựa chọn sản phẩm. Tại đây, khách hàng có thể lựa chọn rất nhiều loại sản phẩm, giá cả được niêm yết lại có tư vấn sử dụng rất nhiệt tình tạo sự thoải mái và yên tâm khi mua sắm.

Có lẽ vì thế, sau khi những siêu thị lớn chuyên về vật liệu xây dựng mở ra thì hàng loạt các cửa hàng mua bán thiết bị vệ sinh trên các con phố Cát Linh, Trường Chính, Hoàng Quốc Việt… nhanh chóng đổ tiền đầu tư các phòng trưng bày chuyên giới thiệu về thiết bị vệ sinh.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu trang thiết bị cho phòng tắm. Để có thể tậu được một bộ đồ thiết bị về sinh “dùng được” cũng phải tốn trên dưới 7 triệu đồng. Tuy nhiên, tuỳ theo khả năng chịu chi của “thượng đế” thì cũng có đầy đủ những sản phẩm đẳng cấp nhập khẩu giá có thể lên tới hàng chục triệu đồng/sản phẩm.

Nếu như những năm trước, các sản phẩm của Thái Lan chiếm “độc quyền”, thì năm nay hàng Việt Nam và hàng liên doanh được ưa chuộng hơn vì chất lượng đảm bảo, giá thành lại hợp lý. Có thể kể ra Sứ Thanh Trì (Viglacera), Long Hầu, Tường An… hay như hàng liên doanh như TOTO, Inax, Ariston... đang chiếm thị phần lớn.

Anh Nguyễn Mạnh Hà - chủ một cửa hàng thiết bị vệ sinh trên phố Cát Linh cho biết xu hướng người tiêu dùng hiện đang “săn tìm” hai mẫu sản phẩm “hot” của TOTO Việt Nam mới ra mắt là bồn cầu MS884 và MS854, mỗi ngày tại cửa hàng anh có thể bán được hàng chục bộ.

Để chọn được sản phẩm phù hợp

Số tiền mà thượng đế phải bỏ ra để hoàn thiện một phòng vệ sinh bao gồm bồn cầu, lavabo, vòi sen... sẽ chênh lệch rất lớn theo mẫu mã và thương hiệu sản phẩm. Hàng trong nước và liên doanh dao động từ 3,5 đến 10 triệu đồng, hàng nhập khẩu có loại giá thành có thể cao tới... 40 triệu đồng/bộ.

Trang thiết bị phòng vệ sinh thường được sử dụng nhiều nhất là hàng sứ tráng men sản xuất trong nước do có giá vừa túi tiền còn hàng nhập cao cấp của Italy, Tây Ban Nha thì giá rất cao. Tuy nhiên theo anh Hà thì sản phẩm liên doanh trong nước đã đạt được đầy đủ tiêu chuẩn như hàng nhập khẩu.

Thị trường thiết bị vệ sinh sôi động vào mùa - 1
  

Mẫu bồn cầu của TOTO Việt Nam
được khách hàng rất ưa chuộng.

“Hai mẫu bồn cầu của TOTO Việt Nam nói trên là loại một khối sử dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay của TOTO - công nghệ chống dính Cefiontect - không những tiết kiệm nước mà sứ còn được phủ lớp men nhẵn đến từng micromet để ngăn chất bẩn, vi khuẩn hay nấm mốc bám vào bề mặt” - anh Hà cho biết.

Chưa hết, điều quyết định khách hàng lựa chọn nhiều, theo anh Hà chính là giá sản phẩm. Cùng một mẫu mã, tính năng tương đương thì sản phẩm liên doanh có giá thấp hơn khá nhiều so với hàng nhập khẩu. Nếu như giá các sản phẩm của Việt Nam và liên doanh chỉ từ 5 đến hơn 7 triệu thì hàng nhập khẩu bao giờ cũng phải trên 10 triệu. Lý giải số tiền chênh nhau khá lớn này anh Hà khẳng định chính là thuế nhập khẩu và tâm lý “sính” đồ ngoại vì các sản phẩm nội địa và liên doanh này cùng lúc đang xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản...

Ghi nhận từ thị trường, điều mà rất nhiều các nhà kinh doanh thiết bị vệ sinh cảnh báo khách hàng chính là hãy cẩn thận với hàng nhái. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm nhái, chủ yếu nhập về từ Trung Quốc được làm rất tinh vi từ con tem tới kiểu dáng nhưng chất lượng thì không thể quản lý.

Cứ đến cuối năm, thị trường thiết bị vệ sinh lại khởi sắc, các nhà sản xuất lại bắt đầu cuộc đua chiếm lĩnh thị phần với nhiều chiêu tiếp thị mới để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Xu hướng mua thiết bị vệ sinh cao cấp để khẳng định đẳng cấp căn nhà cũng ngày càng trở nên phổ biến.

Minh Tuấn