Thị trường thép có dấu hiệu chững lại

(Dân trí) - Giá thép sẽ tiếp tục được ổn định trong tháng 4. Không những vậy, thị trường thép đang có chiều hướng chững lại và hơi xuống. Ông Phạm Chí Cường, chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Dân trí xung quanh vấn đề này.

Trước khi có thông tin giá thép tiếp tục ổn định trong tháng 4, trên thị trường có hiện tượng giá thép đột nhiên lại tăng trong khi bản thân các doanh nghiệp thì chưa tăng giá?

Giá thép tăng là do chúng ta phải phụ thuộc vào thị trường thế giới, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng để thuyết phục các doanh nghiệp cùng nhất trí giữ giá ổn định cho đến hết tháng 4.

Việc này thực tế không đơn giản vì trước đó, một số doanh nghiệp đã gửi thông báo tới các đại lý là bắt đầu từ 1/4 tăng giá.

Giá doanh nghiệp công bố là giá chưa tính tiền vận tải và 5% thuế VAT. Nếu như sau khi cộng thêm những khoản trên mà vẫn thấy cao thì rõ ràng đã có chuyện các nơi bán thép tự tăng giá quá cao. Khi có hiện tượng này, mọi người cần thông báo cho cơ quan quản lý thị trường để làm rõ.

Nhưng theo như ông nói, đã có chuyện một số doanh nghiệp thông báo sẽ tăng giá từ 1/4. Đây là lý do khiến nhiều nơi tự ý tăng giá thép?

Sau khi các doanh nghiệp cam kết giữ nguyên giá trong tháng 4 thì những doanh nghiệp có thông báo tăng giá trước đó đã thu hồi lại. Bởi vậy, thị trường thép bắt đầu chững lại và có phần hơi tụt xuống.

Nguyên nhân là bởi có những người khi thấy giá thép tăng đã tìm mọi cách để "ôm" nhiều hàng, bất chấp cả việc phải đi vay ngân hàng. Và giờ, họ đang bắt đầu phải "bán tháo", để còn thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng.

Vấn đề là chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào thị trường phôi thép nhập khẩu, đặc biệt là ở Trung Quốc. Trong khi đó, nước này lại đang có những thay đổi chính sách làm cho giá phôi xuất khẩu cao hơn giá thép thành phẩm?

Hiện nay, phôi thép nhập từ Trung Quốc chiếm khoảng trên 50% tổng số phôi thép nhập (con số này trước đây là 80%). Trước những động thái của Trung Quốc về việc tăng giá phôi thép, chúng ta đã chuyển sang nhập phôi thép từ các nước khác như Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina, Nga.

Đồng thời, sản xuất phôi thép trong nước của ta đã được đẩy nhanh, chiếm khoảng trên 50% nhu cầu về phôi thép của cả nước. Cụ thể, chúng ta sản xuất được trên 2 triệu tấn/năm phôi thép trong tổng số khoảng trên 4 triệu tấn/năm nhu cầu.

Theo ông, giải pháp lâu dài để bình ổn giá thép trên thị trường là gì?

Về lâu dài, chúng ta cần tăng cường sản xuất phôi trong nước, tăng công suất bằng cải tiến kỹ thuật, năng lực công nhân. Phấn đấu tăng thị phần phôi sản xuất đáp ứng 60-70% nhu cầu của cả nước (thay vì hơn 50% như bây giờ).

Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được vì trên thực tế hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp chịu đầu tư công nghệ và con người để có được hiệu quả kinh doanh tốt nhất.

Bên cạnh đó cần phải cải tạo lại hệ thống phân phối thép. Vì thực tế hiện nay, khi hệ thống phân phối của chúng ta khi qua nhiều trung gian là hay bị đẩy giá lên.

Lan Hương