Các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất:

"Thị trường tài chính Việt Nam còn quá non trẻ"

Sau một thời gian ngắn "nghỉ ngơi", các ngân hàng thương mại cổ phần như Phương Nam, VIB Bank… dường như lại bắt đầu một cuộc đua tăng lãi suất huy động mới. Tăng lãi suất có phải do "khát vốn"? Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước lý giải về vấn đề này.

Xin bà cho biết nguyên nhân chính dẫn đến việc các ngân hàng lại tiếp tục đẩy lãi suất lên mức "nóng" như hiện nay?

Thời gian vừa qua có rất nhiều yếu tố dẫn đến lẽ ra lãi suất huy động của các ngân hàng trong nước phải giảm chứ không phải tăng, trừ yếu tố duy nhất là tác động của lãi suất quốc tế được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh tăng.

"Thị trường tài chính Việt Nam còn quá non trẻ" - 1
  

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh.

Tôi nói như vậy vì nguồn cung tiền vào các ngân hàng từ đầu năm đến nay liên tục tăng, đặc biệt là nguồn tiền gửi huy động từ dân cư, trong khi cầu về vốn của nền kinh tế lại giảm do mức độ tăng trưởng kinh tế năm nay thấp hơn năm 2005. Lạm phát kỳ vọng 6 tháng đầu năm nay cũng thấp hơn mức cùng kỳ năm ngoái...

Tôi cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do khả năng tiếp cận lẫn nhau giữa các ngân hàng chưa hoàn hảo trong một thị trường tiền tệ phát triển thì các ngân hàng sẽ điều chuyển vốn cho nhau, không nhất thiết phải tăng huy động vốn bằng tăng lãi suất huy động.

Một số ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ, thiếu vốn nhưng lại chưa đủ độ tin cậy để các ngân hàng TMQD tin tưởng cho vay. Điều này cũng cho thấy thị trường tài chính tiền tệ của ta còn quá non trẻ, chưa phải là "bình thông nhau" giữa các ngân hàng, nên dẫn đến tình trạng trên.

Mức tăng lãi suất của các ngân hàng trong nước so với lãi suất quốc tế là thế nào, thưa bà? Và liệu với mức tăng lãi suất như vậy thì khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất đầu ra và lãi suất đầu vào của các ngân hàng có đảm bảo an toàn?

Nếu so với lãi suất quốc tế thì mức tăng lãi suất vừa qua của Việt Nam thấp hơn. Nếu tính bình quân gia quyền thì biến động tăng lãi suất hiện nay rất thấp, chủ yếu ở các Ngân hàng TMCP nhỏ.

Lãi suất huy động tăng chủ yếu là lãi suất huy động ngoại tệ (tăng theo thị trường quốc tế), lãi suất nội tệ có tăng nhưng mức tăng thấp hơn, không đáng kể. Thực tế nếu xét ở bình diện chung thì lãi suất tương đối ổn định, không có vấn đề gì.

Về chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng hiện nay theo tôi thì vẫn ở mức an toàn, tuy không thống kê được chính xác vì mỗi ngân hàng tỷ lệ có khác nhau.

Hiện NHNN chỉ xét hệ số an toàn của mỗi ngân hàng trên tỷ lệ an toàn vốn, khả năng chi trả chứ không yêu cầu hoặc đặt ra mức chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra cụ thể.

Được biết, hàng tháng thông qua Hiệp hội ngân hàng, các ngân hàng thương mại vẫn thường ngồi lại với nhau để thống nhất mức lãi suất. Tại sao vẫn có tình trạng chỗ này tăng ít, chỗ kia tăng nhiều?

Đúng là Hiệp hội ngân hàng hàng tháng vẫn ngồi với nhau thống nhất lãi suất nhưng thực tế họ vẫn "tách" được. Theo tôi được biết thì cả bốn ngân hàng TMQD đều không muốn tăng lãi suất song để giữ thị phần họ vẫn phải tăng một chút nhưng cũng rất thận trọng vì với thị phần lớn, việc chỉ nhích mức lãi suất cho vay lên một chút là đã ảnh hưởng đáng kể đến năng lực tài chính của họ.

Tôi cho rằng, các ngân hàng TMQD không nên chú trọng tăng lãi suất vì lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng sẽ phải điều chỉnh tăng. Hiện lãi suất cho vay trung bình khá cao: 13%/năm (1,15%/tháng); lãi suất cho vay ngắn hạn 10-13,8%/năm; lãi suất trung hạn cho vay từ 11-16%/năm.

Xin cám ơn bà!

Theo Nhân dân/Tin tức