Thị trường nhà đất Hà Nội: Nóng tiếp hay nguội đi?
(Dân trí) - Cho đến lúc này, giá nhà đất tại một số khu vực của Hà Nội vẫn ở mức khá cao, nhưng vẫn chưa thể tỏa nhiệt sang các khu vực khác. Diễn tiến tiếp theo của thị trường trong thời gian tới hiện đang được các nhà kinh doanh phân tích theo nhiều hướng khác nhau…
“Nhiệt” không lan tỏa!
Tại Trung tâm bất động sản Nhất Quỳnh, chị Thu Giang cho biết, thị trường trong mười ngày gần đây chưa có thay đổi nào đáng kể. Khách mua chủ yếu vẫn nhằm vào chung cư và chung cư cao cấp ở các khu trung tâm, nhưng lượng hàng để đưa ra giao dịch nhìn chung rất khan hiếm.
Chẳng hạn, khu Trung Hòa - Nhân Chính lượng rao bán hiện còn rất ít, trong khi ở Nguyễn Chí Thanh, theo chị Giang, chỉ còn vài căn. Những căn nhà hiếm hoi còn lại này thường có giá cao chót vót, khoảng 18-22 triệu m2 (trước tết khoảng 11-12 triệu/m2).
Ông Quách Quang Trung, Công ty đầu tư phát triển nhà Quang Trung (đường Trần Duy Hưng) cũng cho biết, thị trường vẫn chỉ “nóng” ở các khu trung tâm. Trong đó, tập trung nhất vẫn là nhà chung cư cao cấp và các nhà chia lô liền kề. Các biệt thự được quan tâm nhiều nhất thời gian gần đây có giá khoảng từ 3-5 tỉ. Người mua biệt thự chủ yếu là người thắng chứng khoán, người Việt ở nước ngoài về mua, nhất là từ Nga.
Theo ông Trung nhiều khu vực nội thành và giáp ranh vẫn chưa hề bị hâm nóng, chẳng hạn như khu Linh Đàm, Định Công. Khu Văn Quán, Hà Đông được mua bán tăng hơn, nhưng giá cả nhìn chung cũng chỉ tăng lên khoảng 5-7% so với trước đây.
Những người kinh doanh bất động sản đều thừa nhận, diễn biến mới của thị trường tại một số khu nhất định cho đến nay chưa có sức làm lay chuyển thực trạng giao dịch đất ở trong các ngõ hẻm, đất của người dân trong nhiều khu vực sinh sống ổn định từ trước…
Chuyển động theo chiều nào?
“Cơn sốt” sẽ có thể từ một số điểm hiện tại dần lan sang các khu vực khác là dự đoán của ông Trung. Theo ông, tới đây, điều kiện nhập khẩu Hà Nội của người ngoại tỉnh đang công tác tại Thủ đô được nới rộng (1/7) sẽ là một nhân tố kích cầu thị trường nhà đất. Cùng đó, việc kinh doanh của người Việt tại Nga không còn thuận lợi như trước cũng sẽ làm gia tăng số người quay về đầu tư tại Việt Nam…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tài Tiến, trưởng phòng kinh doanh, Xí nghiệp đầu tư kinh doanh và tư vấn nhà đất 1, thuộc Công ty kinh doanh phát triển nhà Hà Nội lại có những dự báo khác.
Theo ông Tiến, cơn nóng của thị trường nhà đất hiện đã lên đến đỉnh điểm và giá nhà ở một số nơi đang ở mức có thể gọi là “vô lí”. Chẳng hạn, giá biệt thự ở Mỹ Đình đã lên đến 31-32 triệu/m2 hay có căn nhà ở đường Thụy Khuê, sát Hồ Tây giá đã lên đến trên 2.000 USD/m2 (trước tết chỉ tầm 1.700 USD)…
Theo ông Tiến mức giá “chót vót” như hiện tại sẽ chỉ tồn tại thêm một thời gian không lâu và dự đoán rằng, sau thời gian “sốt lạnh”, một số chính sách cởi nút cho thị trường đã được thực hiện, nhưng khi thị trường nóng lên thì có thể chính sách sẽ được thắt chặt lại.
Ông Tiến dẫn ra biện pháp giới hạn số mét vuông mỗi người được sử dụng và thực hiện đánh thuế lũy tiến đối với số mét tiếp theo hay biện pháp đánh thuế cao đối với những người có ngôi nhà thứ hai đang được bàn tới trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thêm vào đó, yếu tố tác động tới thị trường nhà đất trong thời gian qua là thị trường chứng khoán cũng đang có những sút giảm. Thị trường nhà đất đang mất đi phần lớn “đầu vào” từ những người “thắng” chứng khoán. Tuy nhiên, tới đây thị trường nhà đất vẫn có thể thu hút một số người đầu tư chứng khoán thua lỗ chuyển hướng sang nhà đất, nhưng, theo ông Tiến, đây không phải là những người chấp nhận giá cao và quá trình này cũng chỉ có thể diễn ra trong vài tháng.
Cũng theo ông Tiến, nếu diễn ra sự sút giảm của thị trường nhà đất thì đó sẽ là quá trình chuyển động theo hướng ngang dần xuống, không thể diễn tiến theo hướng “cắm xuống”. Điều này phù hợp với tâm lí bình tĩnh của những người kinh doanh nhà đất.
Kim Tân - Phương Thảo