Thị trường mũ bảo hiểm giả: Khó "dẹp"!

(Dân trí) - Ghi nhận sau 2 tháng ra quân, thị trường mũ bảo hiểm đã phần nào chuyển biến, không còn tình trạng bán mũ giả công khai trên lòng đường, vỉa hè. Song Quản lý thị trường cho biết, do cầu tiêu dùng mũ bảo hiểm giả vẫn lớn nên khó dẹp cung.

Thị trường mũ bảo hiểm giả: Khó dẹp!
Tọa đàm thực hiện Chỉ thị 04 về tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông
(Ảnh: BD).

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương về kết quả đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm kinh doanh mũ bảo hiểm trên thị trường giai đoạn 25/2-30/4/2013, đã có 3.672 vụ kiểm tra được thực hiện. Tổng số cơ sở kinh doanh có vi phạm hành chính lên tới 1.776 đơn vị; tạm giữ, tịch thu gần 54 nghìn chiếc mũ; xử phạt hành chính đến thời điểm hiện nay ở con số 873 triệu đồng.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, trong số 3.672 cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm bị kiểm tra, số cơ sở có hành vi vi phạm hành chính chiếm 48%. Các cơ sở này phần lớn là lần đầu vi phạm. Hành vi vi phạm chủ yếu là hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc và không ghi nhãn hàng hóa theo quy định.

Quản lý thị trường ghi nhận, sau đợt kiểm tra tổng lực, hiện đã không còn hiện tượng bày bán công khai các loại mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm, mũ nhựa, mũ thời trang không bảo đảm chất lượng tại các tuyến phố, tuyến đường giao thông và trên lòng đường, vỉa hè.

Tuy nhiên, đại diện cơ quan này thừa nhận, dù Thông tư liên tịch 06 đã ban hành, nhưng căn cứ để xử lý các hành vi trên vẫn chưa thực sự rõ ràng do chế tài xử phạt mới chỉ áp dụng đối với người không đội mũ bảo hiểm và đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách. 

Do vậy, nhu cầu mua sử dụng các loại mũ không bảo đảm chất lượng giá rẻ vẫn còn. Việc này dẫn đến vẫn tồn tại một bộ phận người kinh doanh cung cấp các loại mũ không bảo đảm chất lượng giá rẻ cho người tiêu dùng.

Khó phạt, khó dẹp

Cũng theo cơ quan quản lý thị trường, còn có nhiều vướng mắc về thủ tục khi xử lý các đối tượng kinh doanh mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng, mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm, mũ nhựa – loại mũ người đi xe máy hay mua sử dụng đối phó. 

“Đối với các loại mũ bảo hiểm chưa chứng nhận hợp quy thì phải truy nguồn gốc nơi sản xuất mới có căn cứ xử lý triệt để, đặc biệt là đối với các cơ sở bán mũ nhỏ lẻ (như bán hàng rong) thì việc này rất khó khăn, trong khi người tiêu dùng hay mua mũ của các đối tượng này vì tiện lợi và giá rẻ” – Đại diện cơ quan này cho hay.

Hiện nay đối với các loại mũ nói trên, lực lượng chức năng chủ yếu xử lý vi phạm về hóa đơn, chứng từ hoặc nhãn hàng hóa.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng kêu khó trước thực trạng khi kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm lưu hành trên thị trường có vi phạm về chất lượng, nhưng đơn vị sản xuất mũ bảo hiểm ở địa bàn tỉnh khác. Lúc cơ quan chức năng mời đến giải quyết, đơn vị sản xuất không đến làm việc hoặc đến nhưng không thừa nhận mũ vi phạm do đơn vị mình sản xuất nên việc xử lý gặp khó khăn.

Thực tế kiểm tra có đơn vị sản xuất chỉ cung cấp giấy chứng nhận hợp quy một hoặc hai kiểu loại nhưng hàng hóa lưu hành trên thị trường thì số lượng kiểu loại nhiều hơn, rất khó đối chiếu để kiểm tra kết luận. Nguyên nhân đơn vị cấp chứng nhận hợp quy không có mẫu (hình ảnh) kiểu loại được chứng nhận hoặc tài liệu mô tả sản phẩm được chứng nhận kèm theo.

Mức xử phạt vi phạm là quá nhẹ, không đủ sức răn đe cũng được cho là một yếu tố cản trở khiến hơn 2 tháng “dẹp” các điểm vi phạm, tình trạng cũ lại tái diễn.

“Thời điểm hai tháng trước, lúc ra quân ồ ạt, người dân đổ xô đi mua mũ đúng chuẩn. Nhưng sau một thời gian, cơ bản tình trạng lại quay về điểm xuất phát”, vị đại diện cho hay.

Hơn nữa, giá cả mặt hàng này trên thị trường không thống nhất, phần lớn các hộ kinh doanh tự định giá bán lẻ, nên gây khó khăn cho lực lượng Quản lý thị trường trong việc giám sát, kiểm soát, bình ổn giá ngăn chặn hành vi trục lợi bất chính.

Như vậy, nhìn chung, việc cưỡng chế của cơ quan chức năng chỉ đóng một phần trong việc loại mũ bảo hiểm kém chất lượng, mũ giả bảo hiểm ra khỏi thị trường. Phần lớn vẫn phải phụ thuộc vào ý thức người tiêu dùng, triệt bỏ nguồn cầu để nguồn cung không còn đất sống.

Bích Diệp