Thị trường mì gói và quyết định của người tiêu dùng Việt
Trong một nền kinh tế hơn 90 triệu người tiêu dùng, trong đó gần 70% người sinh sống ở nông thôn, mỗi người tiêu thụ bình quân 1 gói mỗi tuần, mì gói Việt quả là một thị trường hấp dẫn.
Tuy nhiên, người tiêu dùng ngày nay rất thông minh, không còn mua theo thói quen hay quảng cáo, mà chỉ mua những gì thiết yếu nhất, phù hợp nhất, đáng tiền nhất, đem lại cho họ những giá trị tốt nhất trên số tiền mà họ bỏ ra.
Nhãn hiệu mì được ưa chuộng nhất hiện chiếm được gần 30% thị trường, trong khi hơn 30 nhãn hiệu khác kể cả nhiều thương hiệu ngoại, mì nhập khẩu, “cao cấp”, sau nhiều năm thâm nhập thị trường, quảng cáo ầm ĩ, vẫn chưa có nổi 0.1% thị phần. Chỉ những ai hiểu và thực sự đáp ứng được tốt nhất những yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng, phù hợp nhất với khả năng chi trả của họ, sẽ được lựa chọn.
Bức tranh thị trường
Thị trường mì Việt Nam hiện được ước tính trên 5 tỷ gói, trị giá trên 15 ngàn tỷ đồng mỗi năm. Báo cáo cập nhật thị trường được công bố gần đây nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel (P9/2017) cho thấy mì gói có thể xem là một trong những thực phẩm thiết yếu, khi có mặt gần như 100% trong các hộ gia đình Việt, chiếm một tỉ trọng lớn trong rổ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). “Mì gói nằm trong tốp ngành hàng FMCG được mua sắm thường xuyên nhất của các gia đình, trung bình khoảng 18 lần/năm” - Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho biết.
Có trên 60 nhãn hiệu mì gói lớn nhỏ, nội ngoại, sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu đang được bán tại Việt Nam. Tuy nhiên Báo cáo cuả Kantar Worldpanel cho thấy, trên thị trường mì gói Việt, đặc biệt là ở các khu vực bên ngoài các thành phố lớn, chỉ 2 nhãn hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng nhất đã chiếm hơn một nửa số gói mì được tiêu thụ, mỗi nhãn có trên 20% thị phần. Ngoài ra, 2 nhãn hiệu khác đang có thị phần từ 10% đến dưới 20% và 5 nhãn hiệu nữa có thị phần trên 1%. Còn lại, hơn 50 nhãn hiệu khác, chỉ có được tổng cộng chưa tới 10% thị phần; thậm chí có hơn 20 nhãn hiệu, kể cả nhiều thương hiệu mì “cao cấp”, nhập khẩu từ Nhật, Thái, Hàn quốc, Indonesia… hiện vẫn không có được nổi 0,1% thị phần.
Được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất ở khu vực này, liên tục từ tháng 10 năm 2015 đến nay, là các sản phẩm mang thương hiệu 3 Miền của công ty UNIBEN. Mì 3 Miền hiện chiếm gần 30% số gói mì được tiêu thụ (Theo Kantar Worldpanel – Rural - P9/2017), với nhiều dòng sản phẩm khác nhau “đậm đà hương vị Việt” rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Thực tế trong suốt mấy năm gần đây đã chứng thực lời ông Hoàng, một chuyên gia về thị trường, từng nhận định, “đà tăng trưởng cả về giá trị, số lượng lẫn thu hút thêm lượng người mua mới của thương hiệu “3 Miền” là rất mạnh mẽ và bền vững".
Quyết định là của người tiêu dùng
Trong một ngành hàng có thể xem như là thiết yếu, thân thuộc bậc nhất với người tiêu dùng Việt như mì gói, từ góc nhìn nghiên cứu thị trường, để được người tiêu dùng lựa chọn, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Kantar Worldpanel, cho rằng “để phát triển, các nhãn hiệu mì gói phải đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, cung cấp thêm nhiều lợi ích tăng thêm cho người tiêu dùng, bắt kịp xu hướng tiêu dùng như các chủng loại tốt cho sức khỏe, đổi mới bao bì, tăng tiện ích tiết kiệm thời gian sử dụng, phát triển thêm phân khúc cao cấp ...”.
Người tiêu dùng ngày nay cũng thông minh và công bằng hơn. Họ không còn mặc định việc “đảm bảo chất lượng” cho các công ty nước ngoài. Niềm tin vào “hàng Việt” đã tăng lên rất đáng kể khi gần đây nhiều nhà sản xuất thực phẩm trong nước đã đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ quản lý tiên tiến, hợp tác với các đối tác nghiên cứu phát triển, các nhà cung cấp hàng đầu thế giới để nâng cao năng lực sản xuất và đưa khả năng đảm bảo chất lượng lên mức đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe trong ngành thực phẩm, cạnh tranh sòng phẳng với các công ty nước ngoài, không chỉ ở trong nước mà cả trên thị trường quốc tế. Bên cạnh Vinamilk trong ngành sữa, thì trong ngành mì, UNIBEN, nhà sản xuất mì 3 Miền là một ví dụ.
Nhà máy của UNIBEN tại Hưng Yên có tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng, được thiết kế bởi DWP và và tư vấn xây dựng bởi Royal HaskoningDHV (Hà Lan), theo tiêu chuẩn châu Âu, với dây chuyền sản xuất gần như tự động hóa hoàn toàn, được nhập khẩu từ Đức, Nhật Bản…, đảm bảo chất lượng cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
“Tựu chung lại, tiếng nói của người tiêu dùng luôn mang tính quyết định. Để thành công các sản phẩm thực phẩm đóng gói nói chung và mì gói nói riêng cần phải đáp ứng được khẩu vị của người tiêu dùng” - ông Hoàng nhận định. Để có được “khẩu vị” hợp với người tiêu dùng, dường như “3 Miền” đã rất kiên trì và thành công với định hướng phát triển sản phẩm theo hướng nghiên cứu hương vị của các món ăn truyền thống, tìm tòi chắt lọc từng nét đặc trưng nhất của các món ngon từ khắp ba miền, để ứng dụng vào các sản phẩm của mình, tạo ra các món mì ngon thực sự khác biệt, “đậm đà hương vị Việt”. Mì “3 Miền” không chỉ được người tiêu dùng trong nước lựa chọn mà còn được bà con Việt kiều và bạn bè quốc tế đánh giá cao với những sản phẩm rất đặc trưng, rất Việt.
Hà Anh