1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thị trường mặt bằng bán lẻ vẫn màu mỡ

(Dân trí) - Xu hướng tiêu dùng hiện đại tại Việt Nam có tác động không nhỏ của việc phát triển các cửa hàng tiện lợi đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Bởi vậy, sự gia tăng mặt bằng thị trường bán lẻ là điều tất yếu cho thị trường đầy tiềm năng này.

Thị trường mặt bằng bán lẻ vẫn màu mỡ - 1
Thói quen mua sắm của người dân đã có sự thay đổi (ảnh minh họa).
 
Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, không phải ngẫu nhiên mà hãng tư vấn A.T Kearney đánh giá Việt Nam vượt qua Trung Quốc và Ấn Độ để trở thành thị trường bán lẻ có sức hấp dẫn nhất thế giới với GDP tăng cao liên tục nhiều năm, dân số trên 86 triệu người…
 
Thống kê cũng cho thấy, nếu như năm 2000, chi tiêu cho bán lẻ tại Việt Nam chỉ đạt mức 15 tỉ USD, thì năm 2006 đạt mức 36 tỉ USD và dự kiến đến năm 2010 dự kiến con số này sẽ vượt mức 50 tỉ USD.
 
Theo số liệu khảo sát những tháng đầu năm 2009, xu hướng tiêu dùng hiện đại đang phát triển với khoảng 20% tổng doanh thu hàng hóa được bán qua hệ thống phân phối hiện đại. Điều này tác động không nhỏ của việc phát triển các cửa hàng tiện lợi đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
 
Bên cạnh đó, thu nhập của người dân ở các thành phố lớn ngày càng cao. Theo số liệu báo cáo mới nhất tại tháng 12/2008, với mức tăng GDP của Hà Nội là gần 10,6%, năm nay thu nhập bình quân đầu người của người dân Hà Nội ở mức 1.500 USD, cuộc sống ngày càng cải thiện.
 
Đó cũng chính là lý do khiến nhiều mặt bằng bán lẻ dành cho thương mại hiện đại ngày càng phát triển và được chú ý nhiều hơn. Tại TPHCM, tính đến đầu năm 2009, có tới 17 trung tâm thương mại và trung tâm thương mại tổng hợp với tổng diện tích mặt bằng bán lẻ là 210.323 m2.
 
Nhưng con số này chưa thực sự đáp ứng đủ xu hướng tiêu dùng hiện đại của người dân. Bởi những người sống ở các thành phố lớn đã nhận thấy thương mại hiện đại đã làm cho cuộc sống của họ được dễ dàng hơn. Người dân quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm; sự đa dạng; đổi mới và khuyến mãi; thoải mái và sạch/an toàn.
 
Bởi vậy, tháng 3 vừa qua, TPHCM cũng có thêm tòa nhà là Sài Gòn Paragon (quận 7) đi vào hoạt động với 21.229 m2 mặt sàn. Tòa nhà này đã thu hút một loạt các thương hiệu lớn như Givenchuy, Jean Paul Gautier, Thierry Mugler, Giorgio Armani, Omega... đến thuê.
 
Dự kiến, một số dự án như The Plemington và The Everich tại quận 11, KumhoAsiana (quận 1) sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay cũng như nhiều dự án khác trong năm tiếp theo.
 
Tại Hà Nội, tổng diện tích mặt bằng bán lẻ của Hà Nội hiện nay có khoảng 100.000m2 diện tích sàn cho thuê trên các trung tâm thương mại cao cấp chính của thành phố nổi bật như Vincom City Tower, Trang Tien Plaza, Parkson...
 
Trong tháng 8/2009 tới, trung tâm thương mại cao cấp Vincom Galleries thuộc tòa nhà căn hộ cao cấp Vincom Park Place cũng sẽ chính thức khai trương, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân thủ đô.
 
Theo nhận định của giới nghiên cứu, từ nay đến 2011, dự tính Hà Nội sẽ đón nhận hơn 400.000m2 diện tích bán lẻ của hơn 15 dự án đang được triển khai trên địa bàn, trong đó có các dự án của tập đoàn Keangnam, Charmvit, Coralis, Gamuda, Citra Westlake, IndochinaLand, Savico…
 
Rõ ràng, cùng với việc cải thiện mức thu nhập, thói quen mua sắm tiêu dùng của người dân ở các thành phố lớn thay đổi theo xu hướng hiện đại đang là mảnh đất mầu mỡ cho các nhà đầu tư vào phân khúc mặt bằng bán lẻ. Và nó sẽ tiếp tục màu mỡ cho đến khi thị trường này bão hoà, mà theo dự báo là khoảng sau năm 2012.
 
Bằng Linh