1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Thị trường làm “mềm” tỷ giá

Có một diễn biến đáng chú ý: trong những ngày gần đây, tỷ giá của các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do bỗng thấp hơn cả Ngân hàng Nhà nước.

Theo chính sách điều hành tỷ giá hiện nay, đó là diễn biễn hoàn toàn bình thường. Theo sự điều tiết của thị trường, đó cũng là diễn biến hoàn toàn bình thường. Nhưng khá bất ngờ khi đó là sự khác biệt hiếm thấy trong tương quan tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do trong năm nay.

Chính sách điều hành tỷ giá hiện nay là mốc tỷ giá trên thị trường bình quân liên ngân hàng, do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày và ấn định biên độ giao dịch của các ngân hàng thường mại xoay quanh mốc đó là +/-0,25%. Đây cũng là một cơ sở quan trọng để tỷ giá trên thị trường tự do quy chiếu.

Từ lâu lắm rồi, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vẫn thường thấp hơn mức của các ngân hàng thương mại, của thị trường tự do, thậm chí ngang bằng cũng rất ít khi. Còn nay, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước lại cao hơn thị trường, điều chưa từng xảy ra từ đầu năm đến nay.

Cụ thể, ngày 15/12, lần đầu tiên trong lịch sử, tỷ giá VND/USD bình quân trên thị trường liên ngân hàng theo công bố của Ngân hàng Nhà nước vượt mốc 16.100 VND và ở mức 16.102 VND (trước đó, tỷ giá của các ngân hàng thương mại đã có thời điểm vượt qua mốc này), nhưng trên thị trường tự do, mức giao dịch lại chỉ phổ biến 16.090 VND.

Và trong những ngày gần đây, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước ở từ 16.086 - 16.094 VND nhưng giá giao dịch của các ngân hàng thương mại chỉ chốt ở mức 16.063 - 16.080 VND.

Chênh lệch chỉ trong khoảng 20 đồng, không đáng kể, nhưng lại nói được bản chất của tỷ giá ở thời điểm hiện nay.

Nếu hiểu tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là gắn với một môi trường lý tưởng, không có biến động, không có đầu cơ và với nền kinh tế ổn định, thì hiện nay, môi trường đó thể hiện một cách rõ nét nhất.

So với các thời điểm khác trong năm, đây là thời điểm nguồn ngoại tệ, chủ yếu là USD, dồi dào nhất. Và so với tất cả các năm trong lịch sử hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, đây cũng là thời điểm có được một nguồn ngoại tệ sung sức nhất.

Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện nay ở khoảng 13 tuần nhập khẩu của cả nền kinh tế, ước khoảng 12 tỷ USD. Những con số này được đánh giá là tăng nhanh và mạnh, khi mà đầu năm có những dự đoán chỉ ở khả năng đáp ứng được 9 tuần nhập khẩu.

Đáng chú ý là trong thời điểm cuối năm này, thị trường ngoại hối liên tục nhận được những thông tin thuận lợi với những con số chưa từng có về kỷ lục vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vượt 10 tỷ USD, nguồn vốn ODA cam kết trên 4,4 tỷ USD, nguồn kiều hối cũng dự báo vượt trên 4 tỷ USD.

Ngoại tệ về Việt Nam tập trung và nhiều ở thời điểm này, cân đối cung - cầu ngoại tệ khả quan, thậm chí cung thuận lợi hơn rất nhiều. Và tất nhiên, thị trường rất công bằng, tỷ giá của các ngân hàng thương mại, của thị trường tự do thấp hơn tỷ giá điều hành của Ngân hàng Nhà nước là dễ hiểu.

Với những diễn biến trên, tỷ giá của các ngân hàng thương mại, của thị trường tự do đang rất thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu, đặc biệt là cho các nhu cầu thanh toán nợ nước ngoài vào thời điểm cuối năm. Còn với mục tiêu vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá có thêm một năm tương đối ổn định và không nhiều biến động ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.

Định hướng trong tương lai, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ xem xét nới rộng hơn biên độ xoay quanh tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng. Theo đó, tỷ giá sẽ vẫn được kiểm soát thận trọng nhưng linh hoạt hơn, sát hơn với thực tế của thị trường.

Theo Minh Đức
VnEconomy