Thị trường gas hỗn loạn: Đúng, nhưng phải chờ rà soát!

(Dân trí) - Trong quá trình rà soát, cơ quan quản lý thị trường sẽ chú trọng tới các trạm sang chiết nạp. Tuy nhiên, việc lập lại kỷ cương ở thị trường này vẫn còn chờ thẩm định quy chuẩn của Bộ KHCN cũng như việc rà soát thực hiện NĐ107 của Bộ Công thương.

Trao đổi với Dân trí về những vấn đề quanh các chiêu trò kinh doanh thiếu lành mạnh trong nghề gas tại phiên Họp báo thường kỳ Bộ Công thương, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thừa nhận, đúng như thông tin đã được báo chí phản ánh, những hành vi chiếm dụng bình, làm giả, làm nhái nhãn mác, thương hiệu... không chỉ đe dọa tính mạng người tiêu dùng mà còn khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính phải thoái lui khỏi thị trường.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương (Ảnh: BD).


Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương (Ảnh: BD).
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương (Ảnh: BD).

Ông Quyền cho rằng, do thị trường gas tại Việt Nam vừa mới phát triển, có quy mô nhỏ, phân tán và tăng trưởng bình quân 10-15%/năm, nên con đường để xây dựng một thị trường hiện đại, văn minh ở lĩnh vực này cần thời gian rất lâu dài.

Từ ngày 1/10/2010, Nghị định 107/2009/NĐ-CP về kinh doanh gas chính thức có hiệu lực đã đặt viên gạch đầu tiên trong việc tiến tới dần xây dựng thị trường gas phát triển lành mạnh. Theo đó, qua 2 năm thực hiện, cần phải có một lộ trình rà soát, đánh giá để Nghị định có tính thực thi cao hơn.

Trong quá trình rà soát, ông Quyền lưu ý, cần thiết phải đánh giá và kiểm tra các trạm sang chiết nạp. Nếu các trạm sang chiết nạp không được quản lý tốt thì sẽ dẫn đến các vấn đề liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại...

"Năm vừa rồi vì sao nhiều vấn đề tại trường này lại nóng lên? Một phần do thị trường gas thế giới có những biến động thất thường. Phần nữa do đây là năm các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra kiểm soát, do vậy rất nhiều hoạt động, rất nhiều hành vi phạm pháp bị đưa ra ánh sáng" - Lãnh đạo Vụ thị trường trong nước đánh giá.

Tuy nhiên, ông không nói rõ về quá trình rà soát, kết quả rà soát của các đợt ra quân đã thực hiện, bao nhiêu vi phạm đã được phát hiện và xử lý. Thay vào đó, ông Quyền nói, quá trình rà soát thực hiện Nghị định 107, qua các cuộc giao ban báo chí và phương tiện truyền thông thời gian tới sẽ được thông tin cụ thể hơn.

Được sự chỉ định của Thứ trưởng Lê Dương Quang hỗ trợ giải đáp vấn đề, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp Cao Anh Dũng thông tin thêm, về quản lý bình LPGs, Bộ Công thương đang xây dựng và cũng đã gửi Bộ Khoa học Công nghệ thẩm định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bình LPGs làm bằng thép.

Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang trong quá trình thẩm định về loại bình này. "Sau khi quy chuẩn này chính thức được ban hành thì việc quản lý đối với bình LPGs bằng thép sẽ được thực hiện chặt chẽ và thị trường này sẽ được đưa vào kỷ cương hơn" - ông Dũng hứa hẹn.

Vừa rồi, theo ước lượng của Hiệp hội gas VN và các DN kinh doanh trong lĩnh vực này, trên thị trường hiện tại có khoảng 30% - 40% bình gas đang lưu hành là giả. Một vài vụ lẻ tẻ về sang chiết gas trái phép với quy mô lớn hàng nghìn bình được phát hiện nhưng chưa đáng kể.

Thủ đoạn thường được sử dụng là mài mỏng chỏm bình nhằm xóa logo của đơn vị gốc, sau đó dán nhãn và sơn lại mẫu mã mới lên thân bình. Nguy hiểm hơn, nhiều bình trong số này đều có số series kiểm định như các bình gas an toàn khác.

Đáng lưu ý là, với hành vi gian lận này, kẻ gian đút túi khoảng 200.000 đồng/bình nhưng đã đặt hàng triệu gia đình vào vòng nguy hiểm. Hậu quả không chỉ là thiệt hại kinh tế, mà hơn thế là thiệt hại về con người và niềm tin của người tiêu dùng vào cơ quan quản lý.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong tháng 11, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát và xử lý 549 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ngoài ra, cơ quan này cũng phát hiện và xử lý nhiều hành vi buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; các sai phạm trong kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... với hàng hóa phổ biến là hàng tiêu dùng.

Cụ thể, trong tháng đã kiểm tra 9.302 vụ, xử lý 4.691 vụ vi phạm. Trong đó, ngoài số hàng giả và hàng kém chất lượng nói trên, còn có 693 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; 2.650 vụ kinh doanh trái phép và 799 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá) với số thu 9,68 tỷ đồng.

Một số hàng hóa thu giữ số lượng lớn gồm có 80 tấn phân bón nhập lậu; 38.000 gói thuốc lá nhập lậu, 5.899 hộp mỹ phẩm nhập lậu; 36.285 gói dầu gội đầu giả nhãn hiệu; 1,2 tấn mỳ chính giả nhãn hiệu các loại; 8kg và 652 chai, hộp tân dược quá hạn sử dụng...

Như vậy, tính đến hết tháng 11, theo báo cáo chưa đầy đủ, đã kiểm tra 134.508 vụ, xử lý 70.123 vụ vi phạm với tổng số tiền thu được là 310,28 tỷ đồng. Trong số này, mặc dù đã kê rất chi tiết về các mặt hàng, song không đề cập đến hành vi kinh doanh, lưu hành bình gas giả vốn rất được đông đảo người tiêu dùng quan tâm.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm