Thị trường chứng khoán VN: Sẽ có hàng "chất lượng cao"
Sự kiện Sacombank niêm yết cổ phiếu vào ngày 12/7 và trái phiếu BIDV lên sàn ngày 13/7 không chỉ làm tăng quy mô về vốn mà còn tạo ra những chuyển biến mới - thị trường chứng khoán (TTCK) VN đang chuyển động nhanh và dồn dập hơn.
Những người lạc quan cho rằng, TTCK sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới và lúc này chính là cơ hội tốt để đầu tư.
Tín hiệu tốt lành từ đợt hàng mới
Ngày 13/7, trái phiếu Ngân hàng Đầu tư-Phát triển (BIDV) VN đã chính thức lên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM, làm tăng thêm một khối lượng lớn hàng hoá và đa dạng hoá sản phẩm trên TTCK VN.
Đây là loại trái phiếu được phát hành theo thông lệ quốc tế về chuẩn mực lẫn cách thức phát hành, với tổng mệnh giá lên đến 2.200 tỉ đồng. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, tổng giá trị giao dịch của cả 2 loại trái phiếu BIDV đã đạt trên 539,9 tỉ đồng.
Trước đó, ngày 12/7, cổ phiếu Ngân hàng Sài gòn Thương Tín (Sacombank) cũng lên sàn, nâng tổng số lượng cổ phiếu niêm yết và giao dịch tại TTGDCK TPHCM tăng hơn gấp 3 lần so với cuối năm 2005.
Sacombank có vốn điều lệ gần 1.900 tỉ đồng, lớn nhất trong 41 doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết. Phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu Sacombank đã đạt mức giá 78.000 đồng, tổng giá trị giao dịch đạt 59,528 tỉ đồng, chiếm trên 60% tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường. Điều này chứng tỏ cả trái phiếu của BIDV và cổ phiếu Sacombank đang được các nhà đầu tư nồng nhiệt chào đón.
Sự tin tưởng của công chúng dành cho chứng khoán của các ngân hàng xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Những năm gần đây hầu hết các ngân hàng kinh doanh đạt hiệu quả cao, Ngân hàng Nhà nước quy định công bố minh bạch về tài chính trên mặt báo...
Ông Trần Đắc Sinh - Giám đốc TTGDCK TPHCM, nhận xét: “Sự tham gia của các NH trên TTCK là cột mốc đánh giá sự liên kết giữa thị trường tiền tệ và TTCK. Điều này giúp Chính phủ rà soát lại các rào cản, sửa đổi các quy định cho phù hợp, chẳng hạn như tỉ lệ sở hữu, phương thức đầu tư mua chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài...qua đó mở rộng dần thị trường tài chính”.
1 tháng = 6 năm
Trong lịch sử phát triển của TTCK VN, chưa bao giờ nguồn cung cổ phiếu lại dồi dào như lúc này và cũng chưa bao giờ chứng khoán lại được công chúng lưu tâm đặc biệt đến như thế. Những công ty lớn với quy mô vốn hơn nghìn tỉ đồng như Vinamilk, Nhiệt điện Phả Lại, Thuỷ điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh đã không còn là của hiếm nữa.
Chỉ tính riêng trong tháng 7, lượng cổ phiếu niêm yết và đăng ký giao dịch tại hai sàn HN và TPHCM đã lên tới gần 4.000 tỉ đồng, gần bằng kết quả của 6 năm nỗ lực tạo hàng và cấp phép của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Tính cho đến hết tháng 7, TTCK VN sẽ có tổng cộng khoảng 43 mã với giá trị niêm yết gần 8.000 tỉ đồng (gấp đôi hiện tại) đạt mức vốn hoá thị trường xấp xỉ 50.000 tỉ đồng, tương đương trên 3 tỉ USD.
Giới chuyên môn thì nhận định rằng việc lên sàn của các công ty lớn như Vinamilk, Sacombank, Thuỷ điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh, Nhiệt điện Phả Lại trong năm 2006 và dự kiến là Vietcombank, ACB, MobiFone, VinaPhone, Bảo Việt...vào năm 2007-2008, được đánh giá là tín hiệu tốt cho thị trường.
Với quy mô vốn lớn và giá trị vốn hoá thị trường cao, các đại gia này đang có ảnh hưởng rất mạnh đến xu hướng của thị trường nói chung. Rất có thể sự xuất hiện cổ phiếu này sẽ giúp cho thị trường xác định được một mức cân bằng mới trong giai đoạn suy giảm kéo dài 2 tháng qua, sau khi tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm.
Giá thị trường sẽ biến động ra sao?
Cho đến thời điểm trước khi Sacombank lên sàn, nhiều người vẫn nói đùa rằng chỉ số Vn-Index tại TTGDCK TPHCM là chỉ số của Vinamilk bởi trong giá trị vốn hoá thị trường hiện nay một nửa là của Vinamilk, nửa còn lại thuộc về các cổ phiếu còn lại.
Điều đó cũng có nghĩa là sự biến động giá của VNM sẽ tác động khá mạnh tới biến động của chỉ số VN-Index. Giả sử các cổ phiếu khác đứng yên, nếu giá cổ phiếu VNM tăng trần (5%) thì VN-Index tăng 2,5%.
Khi Sacombank lên sàn, với tổng vốn niêm yết gần 1.900 tỉ đồng, cao hơn cả vốn niêm yết của Vinamilk (1.500 tỉ đồng), vai trò ảnh hưởng đến thị trường lúc này không chỉ có Vinamilk mà còn có cả Sacombank.
Sắp tới đây, vào ngày 18/7, khi được giao dịch chính thức tại TTGDCK TPHCM (sau khi rút khỏi TTGDCK HN), thì cổ phiếu Thuỷ điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh cũng sẽ là một ông lớn như Vinamilk và Sacombank.
Nói một cách khác, các công ty lớn sẽ quyết định xu hướng biến động của thị trường. Vấn đề là giá của những đại gia đó biến động ra sao? Liệu mức giá hiện nay của các công ty này đã phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của chính các công ty đó chưa?
Ông Lưu Trung Dũng - Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư của Công ty chứng khoán Ngân hàng Công thương (IBS) cho rằng, có rất nhiều chỉ tiêu để đánh giá về giá cổ phiếu. Đó có thể là những số liệu hiện tại và những dự đoán về tiềm năng, kỳ vọng vào sự phát triển của doanh nghiệp đó.
Tại thời điểm này, sự phát triển của các công ty niêm yết được đánh giá là khá tốt. Chỉ tiêu phản ánh mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân của các công ty là 30% và tỉ lệ tăng trưởng là 20%/năm.
Nếu các doanh nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng này trong 5-10 năm tới thì mức giá giao dịch hiện nay không đáng lo ngại.
Theo T.Phương-H.Xuân
Báo Lao động