Thị trường chứng khoán: Việt Nam sẽ là một “Trung Quốc mới”

Này 21/9 vừa qua, hãng tin kinh tế Bloomberg đã có bài viết về thị trường chứng khoán Việt Nam, coi đây là một trong những thị trường chứng khoán triển vọng nhất tại châu Á.

Chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam (VN-Index)-tính theo đồng đôla-đã tăng 66% trong năm nay, mức tăng cao nhất trong số 413 chỉ số của các thị trường chứng khoán châu Á. Các chỉ số của thị trường chứng khoán Trung Quốc đứng ở những vị trí tiếp theo.

 

Tại một cuộc họp báo tổ chức tại Singapore vào tuần trước, chuyên gia Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Raghuram Rajan đã đưa ra nhận định rằng Việt Nam “được coi là một “Trung Quốc đang nổi lên” do tốc độ phát triển thị trường chứng khoán tương đối cao của nước này”.

 

Christopher Wood, một nhà phân tích ở Boston (Mỹ) khuyến khích các nhà đầu tư chứng khoán nên tìm đến Việt Nam. Ông cho rằng trong một vài năm tới, giá trị của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ rất lớn do số lượng công ty niêm yết đang tăng nhanh. Theo ông, các nhà đầu tư nên bỏ ra 3% số tiền mà họ dành cho thị trường chứng khoán châu Á (trừ Nhật Bản) để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

 

Theo nhiều dự báo, giá trị thị trường chứng khoán sẽ chiếm 20-30% GDP của Việt Nam từ mức 6% như hiện nay trong vòng 4 năm tới.

 

Các chuyên gia cho rằng mối quan tâm của giới đầu tư chứng khoán dành cho Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng nhờ số lượng các công ty niêm yết ngày càng nhiều, cùng với tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế và các dòng chảy đầu tư nước ngoài mạnh mẽ vào nước này.

 

Mặt khác, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, khả năng Việt Nam sẽ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngay trong năm nay cũng là nhân tố khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài theo chân những tập đoàn lớn như Intel và Ford đến làm ăn tại đây.

 

Theo dự báo của IMF, Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế là 7,8% trong năm nay, mức cao nhất trong số các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á. Tổ chức đánh giá tín dụng Standard & Poor’s cũng vừa nâng mức xếp hạng tín dụng dành cho Việt Nam, dựa trên cơ sở tiềm năng tăng trưởng kinh tế và chính sách phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường của Việt Nam.

 

Tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã trở thành ngân hàng đầu tiên được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, làm tăng tổng giá trị của thị trường này lên tới 50%. Theo ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ được niêm yết vào năm tới và tiếp đó là Ngân hàng Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long.

 

Tuy nhiên, quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Khi bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 7/2000, trên thị trường này chỉ có 2 công ty niêm yết với một lượng cổ phiếu trị giá 270 tỷ đồng, tương đương 16,8 triệu đôla.

 

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank, tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM hiện có 49 cổ phiếu được niêm yết với tổng giá trị thị trường là 3,1 tỷ đôla. Trong khi đó, nước láng giềng Thái Lan có 458 cổ phiếu được niêm yết với tổng giá trị 132,3 tỷ đôla. Tại Trung Quốc, có tới 1.381 công ty được niêm yết trên hai sở giao dịch chứng khoán với tổng trị giá cổ phiếu là 650 tỷ đôla.

 

Theo số liệu của Bloomberg, lượng cổ phiếu giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong vòng 3 tháng qua đạt tổng trị giá trung bình là 6,6 triệu đôla. Trong khi đó, con số này ở thị trường chứng khoán ở Thái Lan là 314 triệu đôla và ở Hồng Kông là 3,2 tỷ đôla.

 

Vào thời điểm hiện tại, việc đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn khá khó khăn đối với nhiều nhà đầu tư quốc tế, vốn dĩ hay tìm đến với các công ty có lượng cổ phiếu đủ lớn để họ có thể mua rồi bán mà không phải chờ mức giá chênh lệch cao.

 

“Hiện tại, chúng tôi chưa chú ý đến thị trường Việt Nam do tính thanh khoản của các cổ phiếu niêm yết tại thị trường này chưa cao”, Nick Timberlake, người quản lý quỹ đầu tư chứng khoán dành cho các thị trường đang nổi lên của ngân hàng HSBC tại London cho biết.

 

Ngoài ra, vẫn còn một số hạn chế về mặt chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Họ chỉ được mua tối đa 49% lượng cổ phiếu của các công ty được niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM và nắm tối đa 30% cổ phiếu của Sacombank. Các nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài cũng chỉ được mua cổ phiếu ở Việt Nam thông qua một công ty chứng khoán được đăng ký tại nước này và phải có tài khoản ngân hàng bằng đồng Việt Nam.

 

Hiện các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư nước ngoài như Vietnam Growth Fund (vốn 193 triệu đôla) và Vietnam Dragon Fund (vốn 96 triệu đôla). Cả hai quỹ này đều do Công ty Quản lý quỹ Dragon thành lập và điều hành.

 

Theo Kiều Oanh

VnEconomy/Bloomberg