Thị trường chứng khoán đã qua tâm bão?
Thị trường chứng khoán (TTCK) chịu áp lực từ những lo ngại về giải chấp và các yếu tố vĩ mô chưa khả quan, nhưng có thể coi là đã đi trước một bước khi bước vào tâm bão.
Sau động thái công bố mua vào 3 triệu cổ phiếu của Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) Đoàn Nguyên Đức, không hẹn mà gặp, ngày 25/5, nhiều công ty niêm yết đồng loạt công bố nghị quyết HĐQT về việc mua cổ phiếu quỹ như CTCP Kinh Đô (KDC) đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu, CTCP Cơ điện lạnh (REE) đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu, CTCP Cơ điện và xây dựng Việt Nam (VNE) đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ...
Có lẽ lãnh đạo các doanh nghiệp đã quá sốt ruột khi chứng kiến cảnh giá cổ phiếu sụt giảm một cách quá đà trong tuần qua.
Trong các nguyên nhân khiến giá cổ phiếu lao dốc không phanh 10 phiên liền trên sàn TP.HCM tính đến phiên giao dịch ngày 25/5, lý do được nhắc đến nhiều là áp lực giải chấp của nhà đầu tư, áp lực bán danh mục tự doanh của công ty chứng khoán.
Làn sóng giải chấp trong giai đoạn mà lực cầu hạn chế và yếu do lãi suất cao tạo ra lực cộng hưởng khiến vòng xoáy càng bán - càng xuống, càng xuống - càng bán ngày càng mạnh.
Tuy nhiên, tác động vào vòng xoáy này còn có bàn tay của nhà đầu tư lớn khi họ đã đặt lệnh bán sàn số lượng lớn, nhất là vào cuối phiên, nhằm gây áp lực tâm lý cho người bán và người muốn bắt đáy, đè giá cổ phiếu xuống.
Không hy vọng giá cổ phiếu sớm tăng lên thì cách tốt nhất là dìm giá xuống để mua vào với giá rẻ. Trong bối cảnh thị trường không thể bật mạnh, nhà đầu tư lớn có dư thời gian để gom hàng giá rẻ.
Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán HSC, Fiacra Macana lý giải hiện tượng này là “xuất hiện một số sản phẩm (chứng khoán) mới”, được hiểu là cho mượn chứng khoán để bán.
Đồng thời, HSC cũng cho rằng: “Cơ hội mua vào cổ phiếu đã mở ra cho các nhà đầu tư, sau khi thị trường diễn ra tình trạng bán tháo mạnh mẽ trong thời gian gần đây dưới sự tác động chủ yếu của các nhân tố kỹ thuật. Trong khi đó, các yếu tố căn bản của thị trường và nền kinh tế không xấu đi trong thời gian qua”.
HSC đã nhận được yêu cầu của nhiều nhà đầu tư, tư vấn cổ phiếu nên mua vào và công ty này đã đưa ra 2 danh sách, một danh sách cổ phiếu cơ bản và một danh sách cổ phiếu có hệ số beta cao để khách hàng lựa chọn.
Bản thân cổ phiếu HCM của Chứng khoán HSC cũng là một cơ hội đầu tư cơ bản khi giá giảm còn 15.000 đồng/cổ phiếu, trong khi vốn điều lệ gần 600 tỷ đồng nhưng có hơn 810 tỷ đồng tiền mặt tính đến cuối quý I/2011.
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) với lợi nhuận đều đặn hàng tháng gần 200 tỷ đồng, giảm về 27.300 đồng/cổ phiếu. CTCP Licogi 16 (LCG) với mảng xây lắp đóng góp doanh thu và lợi nhuận chủ lực, cam kết cổ tức 25% sau khi chia cổ phiếu tỷ lệ 2:1, giá giảm còn 16.400 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này sau khi chia xong, giá LCG chỉ còn 11.000 đồng/cổ phiếu…
Từ nhiều góc độ khác nhau, mỗi nhà đầu tư đều nhìn thấy những cơ hội đầu tư cổ phiếu khá an toàn. Thị trường khó có cơ hội tăng đột biến như năm 2009 khi dòng tiền kích cầu được bơm ra nền kinh tế, nhưng liệu có sức ép nào để nhà đầu tư phải bán tháo một lần nữa, ít nhất là trong ngắn hạn, 1 - 2 tháng tới?
TTCK đã đi trước một bước khi nền kinh tế đứng trước áp lực giảm cung tiền. Mặc dù chính sách thắt chặt tiền tệ đã thực hiện gần 5 tháng qua, nhưng thực tế thì dòng tiền thu về vẫn chưa nhiều.
Đã có những tiếng nói về việc ngân hàng cần sử dụng biện pháp tăng dự trữ bắt buộc tiền đồng, thậm chí cả tiền đô để giảm lượng cung tiền ra thị trường một cách quyết liệt hơn. Lãi suất dự kiến còn ở mức cao kéo dài.
Các doanh nghiệp niêm yết sẽ còn phải vất vả thu xếp vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư trong vòng 3 tháng tới, sau đó mới có thể đi vào ổn định. TTCK chịu áp lực từ những lo ngại đó, nhưng có thể coi là đã đi trước một bước khi bước vào tâm bão trong hơn một tuần lao dốc vừa qua.
Theo Thu Hương
ĐTCK