Thị trường Chứng khoán đã đến lúc “ở riêng”
Sau 9 năm thành lập, Thị trường Chứng khoán (TTCK) vẫn thuộc Bộ Tài chính, và vẫn tiếp tục do bộ này quản lý nếu Luật Chứng khoán được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này. Đây cũng là một nội dung của dự luật gây tranh cãi nhiều nhất.
Vấn đề được đặt ra hiện là Bộ Tài chính có nên tiếp tục “ôm” TTCK hay buông ra để Uỷ ban Chứng khoán (UBCK) nhà nước trở thành một cơ quan độc lập?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cần có bước đi thích hợp nếu muốn TTCK không trực thuộc Bộ. Ông cho rằng: Những năm tới, chúng ta thúc đẩy cổ phần hoá, thúc đẩy phát hành trái phiếu, cổ phiếu, chúng ta có định chế thị trường một cách đầy đủ thì sẽ chuyển UBCK lên vị trí độc lập... Theo ông, ít nhất phải sau năm 2010, tức là đến khoảng 2012-2015.
Luật Chứng khoán sẽ được Quốc hội thảo luận lại vào ngày 20/6, và bỏ phiếu thông qua vào ngày 23/6. Nếu chúng ta gia nhập WTO vào cuối năm nay, việc UBCK độc lập là một đòi hỏi, và nếu Luật Chứng khoán được thông qua vào kỳ họp này, thì viễn cảnh sửa luật cũng không còn xa, như rất nhiều bộ luật khác đã được thông qua và sửa đổi. |
Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, Bộ Tài chính vừa nắm quyền quản lý nhà nước TTCK, vừa phát hành trái phiếu là vừa đá bóng, vừa thổi còi. Bộ là cơ quan phát hành trái phiếu chính phủ, tức là tham gia TTCK.
Nguyên tắc cơ bản trên TTCK là các nhà đầu tư phải được tiếp cận thông tin như nhau. Nếu bộ là cấp trên của UBCK, thì làm sao đảm bảo công bằng trong tiếp cận thông tin?
Bảo vệ quan điểm của mình, Bộ Tài chính lại cho rằng: Phát hành trái phiếu là hình thức Chính phủ vay tiền của dân. Được vay bao nhiêu, Quốc hội quyết định thì Chính phủ mới làm. Việc này UBCK không quản lý được và không nước nào làm như thế.
Trái phiếu nếu qua sàn giao dịch chứng khoán VN thì do Luật Chứng khoán điều tiết, còn đưa ra nước ngoài, thì sẽ theo Luật Chứng khoán tại các nước có sàn giao dịch.
Ông Nguyễn Ngọc Trân - ĐB tỉnh An Giang đặt vấn đề: "Đưa UBCK hoạt động độc lập là phù hợp với điều kiện quốc tế. Vấn đề quản lý chặt chẽ, bước đi thích hợp hoàn toàn có thể làm với một UBCK nhà nước độc lập chứ không phải nằm trong Bộ Tài chính mới chặt chẽ, có bước đi thích hợp.
Mục tiêu giá trị TTCK 10-15 tỷ USD, bằng 10-15% GDP vào năm 2010, tôi nghĩ UBCK nhà nước nằm độc lập cũng có thể đưa ra được chứ không bắt buộc thuộc Bộ Tài chính".
Cách ghép UBCK nhà nước dưới sự quản lý của Bộ Tài chính có phải là một mô hình tiến bộ không? Câu trả lời hẳn là không. Bởi vì "trong 7 nước có nền kinh tế phát triển nhất (G7) thì đã có tới 5 nước áp dụng mô hình UBCK là cơ quan độc lập.
Đó là Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Nhật" - ĐB Nguyễn Minh Thuyết - tỉnh Lạng Sơn cho biết. Cũng vì thống kê chưa đầy đủ và thiếu tính thuyết phục về các mô hình của UBCK trên thế giới và các nước đã áp dụng các mô hình cụ thể ấy mà quan điểm ngược dòng được nhiều ĐB ủng hộ.
Dường như những con số thống kê trong cả Tờ trình của cơ quan soạn thảo và Báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế và Ngân sách QH đều chỉ phục vụ cho quan điểm đưa UBCK về Bộ Tài chính. Tất nhiên quan điểm này được đưa ra trên nền tảng các lý do: từ năm 1997 đến tháng 3/2004 UBCK trực thuộc Chính phủ.
Trong suốt 7 năm đó TTCK Việt Nam hoạt động chập chững, kém phát triển và không hiệu quả. Từ tháng 3/2004, UBCK chuyển về Bộ Tài chính, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì TTCK có nhiều khởi sắc và bước đầu đã phát triển (Báo cáo thẩm tra - PV).
Và thậm chí, như nhận xét của ĐB Tào Hữu Phùng (tỉnh Hà Tây) thì gần đây, TTCK Việt Nam phát triển rất mạnh, có cảm giác phát triển nóng. Và "về lâu dài, khi TTCK phát triển ổn định, sẽ sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường" (Báo cáo thẩm tra - PV).
Theo Anh Văn-Thiện Thanh
Báo Diễn đàn doanh nghiệp