Thị trường cháo ăn liền liệu có được “Phá băng”?

Cháo là món ăn thường xuyên có mặt trong bữa ăn hàng ngày, đặc biệt là của người già và trẻ nhỏ. Những năm gần đây, món ăn này đã được “công nghiệp hóa” dưới hình thức cháo ăn liền đóng gói tiện dụng.

Nhu cầu sử dụng lớn, nhưng cháo gói vẫn chưa thực sự được người dân tin dùng, khiến thị trường này sau nhiều năm vẫn còn ở dạng “tiềm năng”. Để giải bài toán này, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có bước đột phá trong công nghệ, thu hẹp khoảng cách giữa cháo ăn liền và cháo nấu nhà.

Nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa bứt phá

Cùng xuất hiện tại thị trường Việt Nam nhiều năm nay, trong khi các sản phẩm ăn liền như mì, phở ăn liền đang phát triển rất nhanh chóng thì cháo gói dường như vẫn… dậm chân tại chỗ. Mặc dù các doanh nghiệp đã không ngừng đa dạng hóa sản phẩm với đủ các loại hương vị như cháo đậu xanh, rau củ, thịt bằm, tôm hùm, cá, cua, gà… giá cả cũng rất cạnh tranh chỉ từ 2.500 đồng, nhưng cháo ăn liền vẫn bị người tiêu dùng thờ ơ. Theo một số nghiên cứu, đánh giá về thị trường cháo ăn liền trên hai miền đất nước thì cứ trong 100 người được hỏi, có đến 63% người tiêu dùng trả lời có tiêu dùng cháo trong 3 tháng qua nhưng chỉ 19% cho biết có sử dụng các sản phẩm cháo ăn liền, chủ yếu do một số quan niệm “không tốt” về dòng sản phẩm này. Nếu như trong một tháng, trung bình một người dùng cháo ăn liền khoảng 2 – 3 lần thì số người dùng mì ăn liền gấp 5-10 lần, thậm chí hơn. Thêm nữa, nếu như ở miền Nam, sự có mặt của dòng cháo ăn liền cũng được nhiều người quan tâm thì ở miền Bắc, mọi người vẫn nhất nhất với quan niệm, ăn cháo là phải cháo nấu nhà, không dùng cháo ăn liền dù một số không nhỏ vẫn biết trên thị trường tồn tại mặt hàng này.

Nguyên nhân chính khiến thị trường cháo ăn liền vẫn ở dạng “tiềm năng” còn nằm ở đối tượng hướng tới. Cháo là món ăn khá thường xuyên cho người già và trẻ nhỏ. Đây là nhóm đối tượng có yêu cầu ăn uống vô cùng khắt khe nên việc người tiêu dùng e dè với cháo ăn liền cũng là điều dễ hiểu bởi quan niệm “sản phẩm ăn liền” có chứa chất bảo quản, dinh dưỡng kém, không tốt cho sức khỏe, và quan trọng hơn là không ngon bằng cháo tự nấu. Theo điều tra bỏ túi tại hơn 50 hộ gia đình đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh thì hết 40 hộ cho rằng, họ chỉ nghĩ đến cháo ăn liền trong trường hợp cần kíp, còn cho trẻ nhỏ ăn thì nhất thiết phải là cháo nấu.

Và thay vì chỉ mất từ 3 đến 5 phút chế biến với sản phẩm cháo ăn liền, các bà nội trợ vẫn lựa chọn phương án vào bếp và bỏ hàng giờ đồng hồ để nấu món ăn được cho là khá… nhiêu khê này.

Giải pháp nào cho doanh nghiệp?

Nhận thấy đây là một thị trường tiềm năng nhưng vẫn chưa khai thác đúng mức, các doanh nghiệp đã không ngại đầu tư tìm kiếm hướng đi mới. Bắt đầu bằng những cuộc khảo sát, nghiên cứu mức độ quan tâm của người tiêu dùng về sản phẩm cháo ăn liền, từ loại cháo, nguyên liệu, đến hương vị và thành phần dinh dưỡng… Từ những kết quả có được, kết hợp với nhận định, nghiên cứu của chuyên gia dinh dưỡng và các nhà khoa học, nhiều doanh nghiệp đã tìm ra giải pháp mới cho sản phẩm của mình.

Mới đây nhất, thương hiệu cháo ăn liền Gấu Đỏ của công ty cổ phần thực phẩm Á Châu đã ứng dụng thành công công nghệ SE-BEST vào khâu chế biến hạt cháo, tạo ra một sản phẩm cháo ăn liền giữ được dưỡng chất tự nhiên trong gạo mà không dùng đến chất bảo quản, với bông cháo nở bung ngon như cháo nấu tại nhà, và đặc biệt còn bổ sung các vi chất cần thiết cho cơ thể. Ngay sau đó, sản phẩm này đã nhận được phản ứng tích cực từ người tiêu dùng. Cùng với Gấu Đỏ, hàng loạt những thương hiệu có tiếng tăm trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm ăn liền khác cũng cạnh tranh rất tích cực, như bằng việc đa dạng hóa hương vị và chú trọng đến tính dinh dưỡng có trong từng dòng sản phẩm.
 
Thị trường cháo ăn liền liệu có được “Phá băng”?
Cháo ăn liền Gấu Đỏ ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng

Đổi mới là tất yếu để chinh phục và cạnh tranh trên thị trường tiềm năng. Và các doanh nghiệp cần linh động hơn nữa trong việc nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, hiểu được người tiêu dùng muốn gì, cần gì, đó là một trong những bí quyết để doanh nghiệp thành công. Cuối cùng, việc có “phá băng” được thị trường cháo ăn liền hay không tùy thuộc cả vào khả năng đầu tư, thấu hiểu thị trường, và “đối thoại” với người tiêu dùng của các doanh nghiệp.

Hy vọng, với sự tiên phong của những “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm ăn liền, cháo ăn liền sẽ được người tiêu dùng đón nhận, có mặt trong gian bếp nhiều gia đình và “cạnh tranh” trực tiếp với “người khổng lồ” mì ăn liền trong tương lai không xa để bữa ăn của các gia đình Việt thêm phần phong phú.

Mỹ Liên