Thị trường BĐS Việt Nam chưa thể minh bạch
(Dân trí) - Chưa có một sàn giao dịch BĐS nào được công nhận là chuẩn vì hiện Bộ Xây dựng còn đang lên kế hoạch xây dựng tiêu chí cho sàn chuẩn. Chính vì vậy, việc trông chờ sự minh bạch cho thị trường BĐS khi giao dịch qua sàn chắc chắn còn nhiều việc phải làm.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục và đây chính là cơ hội để phát triển thị trường bất động sản. Nếu phát triển tốt sẽ là kênh thu hút đầu tư lớn trên thế giới, tuy nhiên để tận dụng được cơ hội này, cả Chính phủ và doanh nghiệp cần có những bước đi đúng.
Tại hội thảo: “Thị trường bất động sản Việt Nam: Những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm” diễn ra ngày 1/8 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam rất có tiềm năng nhưng hiện nay hệ thống cơ chế chính sách của ta còn thiếu và chưa tốt.
“Một trong những định hướng thị trường bất động sản là quyền tiếp cận nhà ở của chính quyền với nhân dân. Nhà nước cũng cần tạo ra cơ chế chính sách để tạo cho doanh nghiệp bất động sản hướng tới các đối tượng như người có thu nhập trung bình và thấp…” (Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam). |
Yếu tố không chuyên nghiệp còn thể hiện ở người dân, vẫn còn mang tính bao cấp và ỷ lại rất lớn. Đầu tư vào BĐS cũng mang tính chất phong trào và tin đồn. Các nhận định về thị trường BĐS mang nhiều cảm tính…
Bên cạnh đó, mặc dù theo Luật Kinh doanh BĐS và Nghị định 153/2007/NĐ-CP, từ 1/1/2009 bắt buộc các công ty kinh doanh BĐS phải giao dịch qua sàn trong khi thực tế, chúng ta chưa có một sàn giao dịch nào được công nhận là sàn chuẩn vì hiện bộ còn đang lên kế hoạch xây dựng tiêu chí cho sàn chuẩn.
“Chính vì vậy, việc trông chờ sự minh bạch cho thị trường BĐS khi giao dịch qua sàn chắc chắn còn nhiều việc phải làm” - ông Tống Văn Nga, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định.
Nhà giá rẻ - trở ngại do thủ tục và vốn
Cơ hội cho sự phát triển của phân khúc thị trường nhà ở giá trung bình và giá rẻ xuất phát từ sự đảo chiều của thị trường và từ chính nhu cầu thực tế của người dân. Hiện nay nhiều doanh nghiệp BĐS đang chuyển hướng từ phát triển căn hộ cao cấp vốn đang dần rơi vào bão hòa sang nhà giá rẻ, nhà bình dân.
Bà Vũ Thị Hòa, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Bên cạnh những yếu tố tác động mới tạo nên cơ hội cho sự phát triển của thị trường nhà ở giá trung bình và rẻ thì vẫn tồn tại nhiều thách thức.
Trở ngại đầu tiên đối với các doanh nghiệp chính là vấn đề thủ tục đầu tư và vốn. Thủ tục đầu tư tuy đã giảm nhưng vẫn còn rườm rà và phức tạp, còn mang tính bao cấp qua cơ chế xin - cho đối với dự án xây dựng nhà giá rẻ.
Về nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, nhiều doanh nghiệp thừa nhận mặc dù tổng số tiền có thể đưa ra lưu thông qua chương trình kích cầu của Chính phủ lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, song tìm kiếm được nguồn vốn cho các dự án xây dựng nhà chung cư hiện nay không đơn giản do thủ tục thẩm định và thận trọng trong việc thế chấp bằng BĐS.
Rồi những vướng mắc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, cơ chế tự thỏa thuận đền bù giữa người dân và doanh nghiệp có mặt trái là đẩy giá đền bù ở các đô thị lớn lên cao. Với chi phí tiền đất cao như hiện nay, để hình thành một chung cư giá rẻ ở các đô thị lớn là một thách thức không dễ vượt qua.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Duy Hiếu, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để người có thu nhập thấp có thể mua được nhà thì một trong những yếu tố cần là làm cho giá của BĐS xuống thấp. Tuy nhiên điều này rất khó vì còn phụ thuộc vào thị trường.
“Nhưng dù thế nào thì cũng cần phải thấy rõ rằng: một trong những vấn đề cơ bản hiện nay của thị trường BĐS vẫn là vốn. Vì vậy, việc Chính phủ công bố gói đầu tư về nhà ở xã hội được hy vọng sẽ có tác động như một cú hích lớn của Nhà nước làm cho thị trường BĐS lành mạnh hơn” - ông Tống Văn Nga nói.
Lan Hương