1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thị trường BĐS: Đã có ánh sáng ở phía trước

(Dân trí) - Trong năm 2012, thị trường bất động sản (BĐS) còn khó khăn song ánh sáng đã có ở phía trước. Người đứng đầu ngành xây dựng khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp tăng tính thanh khoản, tránh đóng băng thị trường, tác động xấu đến hệ thống tín dụng và xã hội...

Nhân dịp đầu năm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc chia sẻ với PV Dân trí về thị trường BĐS năm 2012 trước hàng loạt các giải pháp đồng bộ sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Thị trường BĐS: Đã có ánh sáng ở phía trước - 1
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng

Với tư cách nhà quản lý, Bộ trưởng nhận định thế nào về thị trường BĐS có thể nói là đang đóng băng như hiện nay?

Ngoài những nguyên nhân khách quan do tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới cũng như những hạn chế nội tại của nền kinh tế trong nước, thì để dẫn tới thị trường như hiện nay còn những nguyên nhân chủ quan.

Đó là công tác quản lý Nhà nước về phát triển đô thị và nhà ở còn hạn chế. Tình trạng phát triển các dự án nhà ở còn tự phát khá phổ biến dẫn đến dư cung ở một số khu vực hay một số phân khúc.

Bên cạnh đó là hiện tượng đầu tư theo phong trào, DN không có năng lực, thiếu kinh nghiệm, hậu quả làm doanh nghiệp yếu đã làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp có năng lực và ảnh hưởng chung đến thị trường. Điều này dẫn đến các nhà đầu tư đều khó khăn.

Có thể nói, thị trường BĐS vừa trải qua một năm nặng nề nhất kể từ trước đến nay do chính sách thắt chặt tín dụng, kênh huy động vốn chủ yếu cho thị trường. Xin Bộ trưởng cho biết, làm thế nào để tạo dựng được những kênh huy động vốn khác giúp thị trường BĐS nhà ở phát triển ổn định, bền vững cũng như giúp cho các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn?

Đúng là dù đã có sự tham gia của một số định chế tài chính trong việc phát triển nhà ở, nhưng hệ thống tài chính nhà ở nước ta chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa thành lập được các quỹ đầu tư để phát triển nhà ở như quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ đầu tư BĐS…

Thị trường thế chấp BĐS hoạt động chưa hiệu quả, nguồn vốn cho phát triển nhà ở còn thiếu, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng trung hạn và dài hạn. Việc thanh toán trong giao dịch nhà ở chủ yếu bằng tiền mặt hoặc quy đổi bằng vàng, ngoại tệ gây khó khăn trong công tác quản lý, thu thuế và nhiều rủi ro cho người dân khi thực hiện các giao dịch về nhà ở.

Trong Chiến lược phát triển nhà ở mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi cuối năm 2011 cũng đã đề xuất nghiên cứu hoàn thiện về tài chính - tín dụng theo hướng mở rộng nguồn vốn vay trung hạn và dài hạn; hoàn thiện mô hình hoạt động của Quỹ phát triển nhà ở, thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở; sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho vay thế chấp đối với lĩnh vực phát triển nhà ở; hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến quản lý, sử dụng và phát triển nhà ở.

Thị trường BĐS: Đã có ánh sáng ở phía trước - 2
BĐS liệu có ánh sáng trong năm 2012?

Trong lĩnh vực nhà ở xã hội, xin hỏi Bộ Xây dựng có giải pháp đột phá gì để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển nhà ở xã hội ?

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã đưa ra những giải pháp cụ thể đối với nhà ở xã hội từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Nhưng theo tôi, trong các giải pháp về quy hoạch, cần phải pháp lệnh hoá các chỉ tiêu về xây dựng nhà ở xã hội trong dài hạn, trung hạn và hàng năm đối với từng địa phương để thực hiện bắt buộc thay vì thực hiện tự nguyện như hiện nay.

Và một giải pháp quan trọng về tài chính là ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì cần phải xây dựng quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ về vốn cho người dân có nhu cầu phát triển nhà ở xã hội. Mặt khác, Nhà nước sẽ trực tiếp đầu tư để có quỹ nhà tái định cư, nhà cho thuê giá rẻ hoặc nhà cho thuê mua giá rẻ…

Các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước và người dân cũng được tham gia xây dựng nhà ở xã hội như: nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, cho học sinh, sinh viên… thuê nhưng phải tuân theo quy chuẩn, tiêu chuẩn do các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành.

Một cách thẳng thắn, Bộ trưởng có thực sự lo ngại cho thị trường sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2012?

Tất nhiên là có! Để khắc phục những yếu kém hiện nay của thị trường, theo tôi, cần tăng cường vai trò của Bộ Xây dựng và các địa phương trong công tác quản lý Nhà nước,  nhất là trong việc kiểm tra, thẩm định, cho phép đầu tư phát triển các dự án phát triển nhà ở, thực hiện tái cơ cấu hàng hoá BĐS cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, cũng như đẩy mạnh các giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người nghèo…

Bảo đảm tín dụng BĐS có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng hợp lý, an toàn, phù hợp với chính sách điều hành tín dụng chung. Trước mắt, giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng BĐS với lộ trình hợp lý, tránh gây sốc. Ngoài ra sẽ áp dụng các biện pháp tăng tính thanh khoản, tránh đóng băng thị trường, tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội...

Như vậy, trước mắt, trong năm 2012, thị trường BĐS còn khó khăn song ánh sáng đã có ở phía trước. Về trung và dài hạn, thị trường bất động sản sẽ tốt lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm