1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thị trường bất động sản đang nằm ở đâu trong “quy luật chu kỳ”?

(Dân trí) - Cứ mỗi một vòng 10 năm thì thị trường bất động sản chia làm bốn chu kỳ, những năm đuôi 6, 7 thường nằm ở phía đỉnh tăng trưởng. Năm 2017 được hưởng từ chu kỳ tăng trưởng đó.

Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) trong một báo cáo vừa công bố sáng nay (13/3), bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản (BĐS) năm 2017 đã trở nên sôi động hơn bao giờ hết với những chuyển biến tích cực trên mọi phân khúc.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội và TP.HCM đã có tới 64.263 giao dịch thành công trong năm nay, tỷ lệ hấp thụ thị trường trung bình đạt 79%. Bên cạnh đó, một loạt các sản phẩm mới như condotel, officetel, hometel đã phát triển “bùng nổ”, góp phần tạo nên sức hút mạnh mẽ của thị trường.

Đến cuối tháng 11/2017, tổng giá trị tồn kho đã giảm khoảng 17% so với năm 2016, đạt khoảng 25.700 tỷ đồng.

Một trong những nền tảng hỗ trợ thị trường trong năm 2017, theo đơn vị khảo sát, phải kể tới kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong giai đoạn trước đó. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Vietnam Report, doanh thu và lợi nhuận sau thuế trung bình năm 2016 của các doanh nghiệp trong ngành BĐS, xây dựng, vật liệu xây dựng, đều tăng trưởng “ấn tượng”.

Riêng doanh thu trung bình của nhóm chủ đầu tư BĐS năm 2016 đạt 1.205 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế trung bình năm 2016 đạt 116 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm trước.

Sự chuyển động của thị trường BĐS gắn với chu kỳ kinh tế (ảnh minh hoạ)
Sự chuyển động của thị trường BĐS gắn với chu kỳ kinh tế (ảnh minh hoạ)

Trong năm 2017, bức tranh toàn cảnh thị trường BĐS có một số điểm nổi bật. Thứ nhất, thị trường condotel, officetel, hometel phát triển rất sôi động, mang đến nhiều cơ hội và thách thức với việc tạo ra một loại hình sản phẩm mới cho thị trường.

Thứ hai, phân khúc chung cư giá thấp và giá vừa trên địa bàn hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM phát triển đặc biệt rõ rệt.

“Động thái này đối với những người có thu nhập ở mức vừa là một giải pháp giúp họ “có nhà”, tuy nhiên xét trên mặt quản lí đô thị, nó lại gây ra những vấn đề về quá tải mật độ xây dựng, tăng sức ép đối với cơ sở hạ tầng”, báo cáo nhận định.

Thứ ba, thị trường chứng kiến sự phục hồi đáng kể các dự án đã đình hoãn trong giai đoạn 2011 – 2013. Thứ tư, một trong những điểm không hoàn toàn mới nhưng được thúc đẩy mạnh trong năm 2017 là thị trường BĐS trên địa bàn ba đặc khu kinh tế.

Cùng với việc cho ý kiến Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và đưa ra những cơ chế chính sách thuận lợi, thị trường BĐS ở ba địa bàn đặc khu kinh tế, nhất là Phú Quốc, trong năm qua đã có những chuyển biến rất toàn diện.

Bên cạnh yếu tố về vĩ mô, chính sách cung ứng vốn…, Vietnam Report còn cho rằng, sự tăng trưởng này gắn liền với một trong những đặc điểm của chu kỳ kinh tế: Những năm có số đuôi là 1, 2, 3 thì suy giảm, năm có số đuôi là 4, 5 thì phục hồi, và thông thường năm có số đuôi 6, 7 là tăng trưởng.

Thị trường BĐS cũng không nằm ngoài chu kỳ này, cứ mỗi một vòng 10 năm thì chia làm bốn chu kỳ, những năm đuôi 6, 7 thường nằm ở phía đỉnh tăng trưởng. Năm 2017 được hưởng từ chu kỳ tăng trưởng đó.

Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia của Vietnam Report, thị trường BĐS năm 2018 về cơ bản vẫn giữ được những yếu tố ổn định trong trung hạn. Cơ hội, thách thức xen kẽ nhau tạo nên xu hướng cho thị trường.

Trong đó, với tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt, doanh nghiệp trong nước ngày càng trỗi dậy; Hiệp định CPTTP giúp “bơm” thêm luồng tiền nước ngoài vào thị trường nội địa; thị trường đặc khu kinh tế dần mở ra – đây là những cơ hội cho thị trường năm nay.

Bích Diệp

Thị trường bất động sản đang nằm ở đâu trong “quy luật chu kỳ”? - 2