Thị trường bán lẻ Việt Nam: Sân chơi của “mua, bán hộ”

Trong báo cáo “Phân tích thị trường bán lẻ Việt Nam từ năm 2008 đến năm 2012”, Công ty nghiên cứu thị trường RNCOS dự báo, năm 2012, doanh thu của thị trường này sẽ vượt mức 85 tỷ USD. Một con số quá lạc quan so với hiện trạng?

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Sân chơi của “mua, bán hộ” - 1
Thị trường bán lẻ Việt Nam được nhận định là rất tiềm năng.
 
TS Doãn Kế Bôn - Khoa Thương mại Quốc tế, Đại học Thương Mại nhận xét, để tránh các thủ tục phức tạp trong việc mở thêm điểm bán (doanh nghiệp phải phụ thuộc vào việc kiểm tra nhu cầu kinh tế - ENT) các doanh nghiệp nước ngoài hiện đang phát triển thành chuỗi siêu thị theo nhiều cách khác nhau.

Chẳng hạn, sau khi mở điểm bán lẻ thứ nhất, xin phép mở chi nhánh ở một thành phố khác, hoặc liên doanh với một doanh nghiệp Việt Nam với tỷ lệ góp vốn dưới 49%, sau đó mua lại cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam để trở thành doanh nghiệp có đa số vốn đầu tư nước ngoài.

Thị trường của ai?

Ông Doãn Công Khánh - Viện nghiên cứu Thương mại cho rằng, về tương quan thị phần, các tập đoàn nước ngoài đang chiếm tỷ trọng khá ấn tượng trong phân phối bán lẻ hiện đại tại các thành phố lớn, đẩy doanh nghiệp phân phối Việt về vùng nông thôn.

Theo quan điểm của ông Khánh thì sự phát triển của hệ thống phân phối trong nước hiện vẫn chủ yếu theo bề rộng, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết, hợp tác, thiếu tính ổn định và chưa bền vững.

Đây sẽ là khó khăn, thách thức lớn đối với các nhà phân phối nội trong cuộc cạnh tranh không cân sức khi chúng ta thực hiện lộ trình mở cửa thị trường phân phối theo cam kết WTO.

Nếu không có sự liên kết để nhanh chóng đổi mới, các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ của Việt Nam với những yếu kém trên mọi phương diện từ con người, vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật, mặt bằng bán hàng và thông tin sẽ có nguy cơ bị thất bại ngay trên sân nhà.

Theo ông Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, hiện 95% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên không thể tự tổ chức hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, với quy mô nhỏ, khả năng liên kết và tài chính đều hạn chế, doanh nghiệp sẽ mất lợi thế trong đàm phán thu mua và chịu thêm sức ép về giá cả, điều kiện thanh toán. \

Chỉ cần nhìn vào con số thống kê cũng có thể thấy sự chênh lệch giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam. Siêu thị Big C Đồng Nai, năm 2009 doanh thu là 594 tỷ đồng, thu hút 8.000 lượt khách hàng, trong khi đó con số tương ứng với siêu thị Coop. Mart Biên Hòa trong năm 2009 là: 206 tỷ đồng và 1.500 lượt khách hàng.

Theo thống kê, các siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Biên Hòa… với quy mô lớn, mặt bằng kinh doanh trên 10 ngàn m2 đều chiếm từ 3 - 5% doanh thu bán lẻ của địa phương ấy. Trong khi đó, lực lượng các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam, trên danh nghĩa là chiếm phần lớn nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ, phục vụ được ít lượng người hơn.

Hợp tác hay đối đầu?

Từ việc thua kém về tiềm lực tài chính, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng phải chịu ảnh hưởng từ những chính sách lôi kéo người từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo thống kê, mức lương của nhân viên bán hàng ở các siêu thị trong nước thường thấp hơn từ 10 - 20%, mức lương của nhóm trưởng có thể thấp hơn từ 2 - 4 lần so với ở các siêu thị nước ngoài… Điều này dẫn tới việc có không ít cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp trong nước bỏ qua làm cho các doanh nghiệp nước ngoài...

Theo PGS Trần Hùng thuộc trường Đại học Thương mại, các doanh nghiệp trong nước cần có một chiến lược cụ thể theo hai bước. Theo đó, ở giai đoạn đầu (2010 - 2015) các doanh nghiệp thương mại phải chấp nhận sự tham gia vào “trò chơi bán lẻ” của các doanh nghiệp phân phối đến từ nước ngoài, trước hết với tư cách là những “người bổ trợ”, để cùng tạo ra “chiếc bánh giá trị” trong lĩnh vực phân phối và làm gia tăng giá trị cho sản phẩm của mình.

Theo ông Hùng, các nhà phân phối nước ngoài tham gia thị trường cùng với những phương thức bán hàng và loại hình tổ chức kinh doanh hiện đại, trong khi hiện nay thương mại hiện đại trên thị trường nội địa nước ta được các chuyên gia ước tính chiếm khoảng 25% trên phạm vi cả nước và khoảng 35 - 40% ở các thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM.

Sự có mặt của các doanh nghiệp thương mại nước ngoài sẽ góp phần phát triển nhanh chóng nền thương mại hiện đại cùng với thói quen mua sắm mới của người tiêu dùng, tạo thêm nhiều khách hàng. Mặt khác, các loại hình thương mại hiện đại (các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi…) phát triển sẽ là tiền đề để các nhà cung cấp giảm giá bán cũng như là dành các ưu đãi cho người mua - doanh nghiệp thương mại.

Nhờ vậy, giá trị sản phẩm (là dịch vụ mua hộ cho người tiêu dùng và bán hộ cho người sản xuất) của các doanh nghiệp thương mại được gia tăng, tạo ra được chiếc bánh giá trị và làm cho chiếc bánh giá trị trong toàn ngành bán lẻ lớn hơn.  

Trong giai đoạn tiếp theo, khi “chiếc bánh giá trị” đã được tạo ra đủ lớn (tức là khi tỷ trọng nhu cầu mua sắm tại các cơ sở thương mại hiện đại đã chiếm số lớn trong tổng số nhu cầu mua sắm của dân cư trên thị trường nội địa), thì các doanh nghiệp thương mại tìm cách chia nhau chiếc bánh đó.

Để không bị thua thiệt và giành được phần xứng đáng của chiếc bánh giá trị, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp thương mại trong nước phải biết hướng tới “đại dương xanh” bằng cách sáng tạo ra nhiều giá trị mới cho khách hàng. Khi đó các doanh nghiệp trong nước không sợ phải đối đầu với nhau và càng không sợ phải đối đầu với các đại gia phân phối nước ngoài, bởi ai cũng có thể tạo ra cho riêng mình một khoảng “đại dương xanh”.

Ông Hùng nhấn mạnh thêm: “Cần nhớ rằng sản phẩm của các doanh nghiệp thương mại, như đã đề cập ở trên, đó là dịch vụ “mua hộ” và dịch vụ “bán hộ”. Trên cùng những vật mang hữu hình giống nhau, các doanh nghiệp có thể cung cấp cho khách hàng của mình những giá trị khác nhau bằng cách đổi mới và nâng cao chất lượng các dịch vụ sao cho khách hàng nhận được nhiều giá trị nhất, nhờ đó mà gia tăng giá trị của doanh nghiệp”.

Theo ông Hùng, như vậy “đại dương xanh” của các doanh nghiệp thương mại là đại dương của các dịch vụ và đại dương của các thương hiệu. Khách hàng là nhà sản xuất sẽ tìm đến những doanh nghiệp nào có dịch vụ “bán hộ” tốt hơn và khách hàng là người tiêu dùng sẽ tìm đến những doanh nghiệp nào có dịch vụ “mua hộ” tốt hơn”.

Thang Duy
Báo Doanh nhân