Thi đỗ nhưng không đi học đại học, 9x mở tiệm làm móng kiếm tiền ngang giám đốc
(Dân trí) - Nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ ngày càng cao, nhất là làm móng. Nhiều tiệm làm móng cập nhật nhanh xu thế từ Hàn Quốc, Nhật Bản đang hút một lượng khách rất lớn, tạo thu nhập không hề nhỏ cho các bạn trẻ khéo tay mà chẳng cần bằng cấp.
Nhiều khách hàng đến làm móng vẫn thường gọi Nguyễn Kim Oanh (Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội) là cô chủ nhỏ khi đến làm móng tại cửa hàng của Oanh ở Thái Hà. Bởi cô bạn này mới chỉ sinh năm 1997 mà đã có thể tự gom vốn đến mở cho mình 1 cửa tiệm làm móng khá tươm tất, với thu nhập 40 - 50 triệu đồng/tháng.
Câu chuyện của Oanh phải kể đến từ cách đây 2 năm, khi đó, cô bạn này đã đỗ một trường đại học công lập với số điểm vừa phải. Nhưng cảm thấy không có hứng thú với việc học tại đó, khó có khả năng xin việc khi ra trường và sợ tốn kém cho bố mẹ, nên Oanh đã tìm con đường khác.
Chia sẻ về quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, 9x trẻ cho biết: “Việc học nghề chỉ khoảng 6 tháng, sau đó tôi đi làm thêm ở ngoài khoảng 7 - 8 tháng nữa vừa để tích lũy kinh nghiệm, vừa thu thập cho tôi một lượng khách quen ổn định.”
“Thời gian đó đi làm thêm đó, tôi quan sát cách quản lý của chủ cửa hàng, cách nhập hàng, lân la hỏi thêm về nguồn nhập và giá cả. Về nhà, tôi tính toán xem để mở được cửa hàng thì cần bao nhiêu vốn và cũng có thể tính toán ra được chi phí phải bỏ ra hàng tháng”, Oanh nói.
Tiếp mạch câu chuyện, Oanh kể: “Khách đến tôi chăm sóc chu đáo nhiệt tình, thường xuyên hỏi han về cuộc sống, công việc của họ để lấy thiện cảm. Tôi xin số điện thoại của khách để nếu lúc nào rảnh tôi có thể mang đồ nghề qua nhà để làm cho khách.”
“Dần xây dựng được một lượng khách quen vài chục người mối như vậy thì tôi mới dám tính đến chuyện mở tiệm riêng. Vì từ những mối khách đó sẽ có thêm bạn bè, chị em hay con cái của họ đến cùng làm. Nhiều khách làm quen ở một chỗ cũng vì quen nhân viên. Nhiều lần phải chờ ở tiệm quen lâu quá, họ cũng sẽ tìm sang các tiệm mới mở như kiểu của tôi”, Oanh cho biết thêm.
Trước khi tự mở một cửa tiệm làm móng ở Thái Hà, Oanh cũng đã có 1 thời gian mở thử ở nhà để thăm dò thị trường. Thời điểm đó, mỗi ngày Oanh cũng đã có từ 5 - 10 khách/ngày. Một ngày làm ở nhà như thế cũng đem lại cho Oanh thu nhập 1 triệu đồng mà chi phí bỏ ra rất ít, chỉ khoảng 1 - 2 trăm nghìn/ngày.
Tuy nhiên, nhiều khách khi thấy địa chỉ ở chung cư đã tỏ ra ngại ngùng không đến. Lượng khách chỉ duy trì được ở mức đó mà không thể tăng vọt lên đã khiến cô chủ nhỏ đã quyết tâm “làm lớn”.
Một thời gian đi làm cũng giúp Oanh tiết kiệm được một ít vốn, cùng với các mối quen để có thể mua được dụng cụ đặc thù cho công việc với giá hợp lý. Số tiền đáng kể nhất là mua sơn, gel để làm thì Oanh phải bỏ ra tới gần 20 triệu đồng. Còn trang trí, thiết kế, Oanh tham khảo trên Internet rồi cùng nhóm bạn của mình cùng thực hiện để tiết kiệm chi phí.
Mở tiệm là phải thuê nhân viên, nhưng xác định làm việc lấy thương hiệu nên Oanh liều lĩnh thuê 3 nhân viên thạo nghề luôn để tránh sai sót khi làm cho khách. Liều lĩnh là bởi, với chi phí 20 - 25 triệu đồng/tháng trả lương cho nhân viên là việc không phải cửa hàng nào cũng duy trì được.
Chưa kể chi phí thuê nhà, điện nước, phụ phí khác cùng với tiền chạy quảng cáo Facebook 200.000 đồng/ngày. Thế nhưng, hiệu quả từ việc quảng cáo Facebook cũng khá tốt, mỗi ngày, cô bạn này có thêm 5 - 7 khách lạ tới làm móng.
Dần dần biến khách lạ thành khách quen, sau vài tháng mở tiệm, Oanh đã có ổn định trên 35 khách/ngày. Khách đến mỗi người một sở thích, nhưng trung bình sơn thường khách sẽ phải trả 100.000 đồng, vẽ tùy họa tiết và đắp gel sẽ dao động từ 150.000 - 350.000 đồng.
Cứ mỗi 7 ngày, khách quen sẽ lại quay lại 1 lần do móng cũ đã dài ra và phải làm lại, chứ không phải do bong màu. Như vậy, làm một phép tính đơn giản, cửa hàng của Oanh cũng đã cho thu nhập ít nhất 3,5 triệu đồng/ngày, hơn 100 triệu đồng/tháng.
Công việc tiến triển tốt, Oanh còn có ý định sang tận Hàn Quốc để nhập đồ. Vì Hàn Quốc thường dẫn đầu về xu hướng mẫu mới cũng như phụ kiện. Giá đồ nhập bên đó đắt gấp đôi đồ mà Oanh nhập bây giờ.
Tuy nhiên cô bạn sinh năm 1997 này nhận định: “Khách hàng rất nhiều người có thu nhập cao, họ sẵn sàng bỏ ra chi phí gấp đôi chỉ để thỏa mãn sở thích của mình. Chỉ sợ tôi không theo kịp xu hướng để phục vụ khách thôi.”
“Nếu nhập đồ của Hàn Quốc về làm, tôi cũng chỉ tăng 20% so với giá hiện tại. Mức đó không quá cao vì tôi cũng đã tham khảo các khách ruột của mình. Họ còn hào hứng với dự định này hơn cả bản thân tôi”, Oanh cho biết thêm.
Câu chuyện kinh doanh của một người trẻ chịu khó học hỏi như Oanh cho thấy, học đại học không phải là con đường duy nhất đem lại thu nhập tốt. Chỉ cần cố gắng theo đuổi đam mê, có định hướng và chịu khó học hỏi thì sẽ có kết quả tốt.
Thế Hưng