Thêm nữ đại gia Thanh Hóa cầu cứu thu xếp nợ

Nhận được sự cầu cứu của nữ đại gia Thanh Hóa, Công ty Mua bán nợ (DATC) muốn giúp Công ty Bắc Trung Nam vượt qua khó khăn.

Ngày 9/8, bà Đỗ Thị Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Bắc Trung Nam (Thanh Hóa) cho biết, đã nhận được công văn của Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (Bộ Tài chính) về việc muốn tham gia thu xếp nợ cho đơn vị. Công văn do Tổng giám đốc DATC Phạm Thanh Quang ký ngày 8/8 và cùng gửi đến 3 ngân hàng chủ nợ lớn nhất của Bắc Trung Nam. 
 
Ông Quang cùng lãnh đạo phòng ban vào làm việc với Bắc Trung Nam.
Ông Quang cùng lãnh đạo phòng ban vào làm việc với Bắc Trung Nam.
Ảnh: Văn Chương
 
Theo công văn của DATC, Bắc Trung Nam hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực như: Bệnh viện chuyên khoa mắt, hãng taxi, nhà phân phối hàng tiêu dùng và đang tạo công việc ổn định cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Do ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế một thời gian dài cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ và hạn chế tín dụng đã làm cho Công ty Bắc Trung Nam gặp nhiều khó khăn, đối mặt nguy cơ phá sản.

Để xử lý tồn tại tài chính, tái cơ cấu doanh nghiệp và giúp công ty tránh phá sản, DATC đề nghị các ngân hàng chủ nợ của Bắc Trung Nam hợp tác với DATC nhằm xếp lịch làm việc, đánh giá công nợ, giúp Bắc Trung Nam vượt qua khó khăn.

Trao đổi với phóng viên, bà Hồng cho biết, một tháng trước doanh nghiêp cũng đã “cầu cứu” chồng nữ doanh nhân Diệu Hiền là ông Trần Văn Trí. Người đàn ông vừa thu xếp xong nợ tại Thủy sản Bình An và Phương Nam đã vội vã bay ra Bắc tìm hiểu nợ nần của Công ty Bắc Trung Nam.

Ngoài phương án góp vốn, ông Trí đàm phán với các ngân hàng về việc khoanh, giãn nợ cho Bắc Trung Nam. Phương án dự phòng cũng được ông Trí đưa ra là cùng DATC mua nợ, giúp Bắc Trung Nam tránh phá sản.
Ông Quang cùng lãnh đạo phòng ban vào làm việc với Bắc Trung Nam.

Ông Trần Văn Trí (chồng doanh nhân Diệu Hiền) đã bay ra Thanh Hóa xem xét nợ nần của Bắc Trung Nam. Ảnh: Văn Chương 

Nguồn tin riêng cho biết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tỉnh Thanh Hóa cũng vừa gửi công văn đến Vietinbank, Vietcombank, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển với đề nghị xem xét, hỗ trợ Bắc Trung Nam tồn tại, hoạt động tốt trở lại.

Theo VCCI, cùng với khó khăn chung trong cả nước, Công ty Bắc Trung Nam bị rất nhiều sức ép. Hiện tại doanh nghiệp nợ 3 ngân hàng 66 tỷ đồng và nhận được giấy triệu tập của tòa án về việc kê biên tài sản, trong đó có Bệnh viện Mắt.
“Ngân hàng thu vốn trong thời gian qua làm cho Bắc Trung Nam kiệt quệ, tài sản bán giá rẻ, hoạt động không hiệu quả do nhiều hình thức đe dọa, giảm sút khách hàng vì xuất hiện nhiều tin xấu.

Trên địa bàn Thanh Hóa, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa thì việc tái cơ cấu, gia hạn và điều chính nợ theo quyết định 780 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì các tổ chức tín dụng trên địa bàn phải tích cực gia hạn, phân loại nợ nhằm giúp doanh nghiệp kéo dài thời gian trả nợ, có điều kiện tổ chức lại sản xuất”, công văn VCCI nêu.
 
Sau khi viện dẫn những văn bản pháp lý, VCCI một lần nữa đề nghị các ngân hàng chủ nợ đánh giá lại phương án khôi phục sản xuất kinh doanh cũng như khả năng trả nợ của Bắc Trung Nam. Trên cơ sở đó, xem xét gia hạn nợ, miễn giảm lãi vai và cấp bản sao đăng ký xe taxi để Bắc Trung Nam hoạt động ổn định, hoàn thành việc trả nợ vay ngân hàng.
Trò chuyện cùng phóng viên, Giám đốc Công ty Bắc Trung Nam Đỗ Thị Hồng cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng từng ký công văn gửi các ngân hàng chủ nợ, đề nghị giúp doanh nghiệp tái cấu trúc nhưng ngân hàng "làm lơ".

Hiện, công ty vẫn giữ nguyên vốn điều lệ 39 tỷ đồng, tài sản hơn 180 tỷ đồng, hoạt động của Bệnh viện Bắc Trung Nam diễn ra bình thường, nhiều bệnh nhân chọn nơi đây chữa bệnh và được đưa đón đến tận nhà.
 
Theo Văn Chương
VTC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm