Thêm nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay

(Dân trí) - Ngay trong tuần đầu tiên áp dụng lãi suất cơ bản 7%/năm, nhiều ngân hàng đã công bố hạ lãi suất cho vay bằng VND và USD. Một mặt bằng lãi suất cho vay mới được xác lập với “đỉnh” là 10,5%/năm và “đáy” tạm giữ ở mức 8%/năm.

Thêm nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay - 1
Lãi suất hạ sẽ tác động tích cực lên nền kinh tế.
 
Tại khối ngân hàng quốc doanh, sau khi BIDV và Vietcombank công bố giảm lãi suất cho vay ưu đãi bằng VND xuống còn 8% và 8,5%/năm, ngày 3/2, Vietinbank cũng hạ lãi suất cho vay thông thường ngắn hạn xuống 9%/năm, một số đối tượng ưu đãi được hưởng lãi suất thấp nhất là 8,5%/năm, cho vay trung và dài hạn là 10,5%/năm.

Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Quân đội và Ngân hàng Liên Việt cũng giảm lãi suất cho vay ưu đãi xuống còn 9,5%/năm. Bên cạnh đó, 2 ngân hàng này còn giảm lãi suất cho vay bằng USD, với mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối thiểu 5,8%/năm; mức lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 6%/năm.

Với Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank), doanh nghiệp xuất khẩu vay VND và cam kết bán USD theo tỷ giá ngày giải ngân được ngân hàng này áp dụng thời hạn cho vay là 180 ngày với mức lãi suất 4,5%/năm và không thay đổi lãi suất trong suốt thời gian vay.

Như vậy, với các mức lãi suất cho vay vừa được khối ngân hàng điều chỉnh giảm sau khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng lãi suất cơ bản 7%/năm, lãi suất cho vay thấp nhất trên thị trường tiền tệ hiện nay thuộc về BIDV với mức lãi suất là 8%/năm đối với các khoản vay xuất khẩu kỳ hạn 3 tháng.

Cùng với việc hạ lãi suất cho vay, lãi suất huy động được nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đồng loạt giảm xuống quanh mức 6%/năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trước khi có quyết định giảm lãi suất cơ bản xuống 7%/năm, lãi suất cho vay VND của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước phổ biến ở mức từ 8,5 - 11%/năm; lãi suất cho vay VND nhóm ngân hàng thương mại cổ phần phổ biến ở mức từ 12 - 12,6%/năm.

Lãi suất giao dịch bình quân bằng VND trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng ở hầu hết các kỳ hạn đều có xu hướng giảm; tuy nhiên, mức độ giảm không nhiều, trong đó mức giảm lớn nhất là 0,42%/năm (đối với lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tháng); riêng lãi suất giao dịch kỳ hạn 3 tháng tăng nhẹ so với lãi suất giao dịch trước đó.

Lãi suất giao dịch bình quân bằng USD cũng tương đối ổn định: lãi suất giao dịch bình quân kỳ hạn 1 tuần không đổi; lãi suất các kỳ hạn 2 tuần và 6 tháng giảm nhẹ; lãi suất các kỳ hạn còn lại tăng nhẹ. Lãi suất giao dịch USD phổ biến ở các mức dưới 2,5%/năm.

Hiện tại, số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước đảm bảo yêu cầu dự trữ bắt buộc và khả năng thanh toán.

Nguyễn Hiền