1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thêm một công ty máy tính lớn vi phạm bản quyền

(Dân trí) - Tại cuộc thanh tra đột xuất nằm trong Chiến dịch xử lý vi phạm bản quyền phần mềm năm 2006 do Chính phủ phát động, đoàn thanh tra liên ngành vừa phát hiện thêm công ty TNHH Phát triển công nghệ và Tin học (DTIC) ở 156 Bà Triệu vi phạm nghiêm trọng những quy định của Luật sở hữu trí tuệ.

Đây là cuộc thanh tra thứ 3 được thanh tra Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với Phòng phòng chống tội phạm công nghệ cao - Cục C15 (Bộ Công an) thực hiện liên tiếp tại Hà Nội và TPHCM từ đầu năm nay với quyết tâm cao nhằm hạn chế nạn vi phạm bản quyền phần mềm đang xảy ra nghiêm trọng tại Việt Nam.

Theo Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Trần Việt Hùng, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tỷ lệ vi phạm quyền SHTT lớn. Năm 2005, cả nước có đến 3.000 vụ bị xử lý hành chính, hơn 100 vụ bị xử lý hình sự, nhưng đáng lưu ý là chỉ có 10 vụ được tòa dân sự thụ lý. Đến nay chưa thể thống kê cụ thể về tác hại của những vi phạm SHTT đối với nền kinh tế, chỉ mới tính được thiệt hại của những vi phạm về bản quyền phần mềm...

Tại công ty DTIC, đoàn thanh tra liên ngành đã lập biên bản vi phạm và thu giữ 10 CPU máy tính có cài đặt nhiều phần mềm bất hợp pháp như Microsoft Windows XP, Microsoft Office, Từ điển Lạc Việt, Vietkey 2000, Norton Antivirus… và 64 đĩa CD chứa các phần mềm vi phạm. Tổng giá trị thiệt hại do sử dụng các phần mềm bất hợp pháp cài đặt trong 10 máy tính trên ước tính trên 100 triệu đồng.

Ông Trần Văn Minh - Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hoá - Thông tin, Trưởng đoàn thanh tra cho biết sẽ sớm ban hành quyết định xử phạt công ty DTIC căn cứ vào Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26/6/2001 của Chính phủ về vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá thông tin.

Theo dự đoán của giới chuyên gia, sau khi Luật SHTT chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, các vụ kiện về SHTT sẽ trở nên phổ biến và quen thuộc hơn với các doanh nghiệp.

Ngoài hàng loạt những vi phạm về bản quyền phần mềm đã, đang bị phát hiện và nghiêm khắc xử lý, những vụ kiện về quyền SHTT trong lĩnh vực khác cũng xuất hiện ngày càng nhiều và nóng hơn. Thực tế cũng đã cho thấy, từ đầu năm 2006 đến nay đã xảy ra hàng loạt các cuộc tranh chấp về quyền SHTT ở rất nhiều lĩnh vực và các đơn vị bị xâm phạm đang mong chờ thời điểm luật SHTT có hiệu lực để có hành lang pháp lý xử lý các vụ vi phạm chặt chẽ và hợp lí hơn.

Nguyễn Hiền