Thay tướng, bao giờ Eximbank đổi vận?
(Dân trí) - Trong giai đoạn lùm xùm giữa các nhóm cổ đông gắn với việc khuyết ghế tổng giám đốc chính thức, nhiều chỉ số tài chính của Eximbank bị tụt lại so với các ngân hàng khác.
Eximbank (mã chứng khoán: EIB) mới đây đã có CEO mới là ông Trần Tấn Lộc. Trước đó, nhà băng này chỉ có quyền Tổng Giám đốc trong suốt 2 năm qua nhưng không thể ra quyết định bổ nhiệm CEO chính thức.
Quãng thời gian không thể bổ nhiệm Tổng Giám đốc chính thức của Eximbank cũng gắn liền với việc các phiên họp đại hội cổ đông từ năm 2019 đến nay của ngân hàng liên tục bất thành cùng những biến động liên quan đến ghế Chủ tịch HĐQT. Cũng trong chính giai đoạn trên, đà tăng trưởng của Eximbank chững lại trong khi nhiều ngân hàng tư nhân khác tăng tốc.
Bị nhiều ngân hàng vượt qua về quy mô
Đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Eximbank đứng thứ 19 trong toàn hệ thống ngân hàng, đạt 165.560 tỷ đồng. Trong khi đó, những cái tên xếp ngay phía trên như OCB, MSB, SeABank, TPBank cách đây vài năm còn có quy mô tài sản thấp hơn nhiều so với ngân hàng này.
Năm 2017, tổng tài sản của Eximbank đạt 149.370 tỷ đồng. Nhưng sau 3 năm, chỉ tiêu này chỉ tăng 7% đạt 160.435 tỷ đồng. Đặc biệt, riêng trong năm 2020, tổng tài sản của ngân hàng này còn thụt lùi 4% so với cùng kỳ.
Trong đó, nhiều chỉ tiêu quan trọng của Eximbank cũng gần như "dậm chân tại chỗ" trong giai đoạn 2017-2020. Dư nợ cho vay khách hàng vào năm 2017 là hơn 100.268 tỷ đồng nhưng đến năm 2020 chỉ còn 99.488 tỷ đồng.
Số dư huy động tiền gửi của khách hàng tại Eximbank từ năm 2017 đến 2020 cũng chỉ tăng 14% từ 117.540 tỷ đồng lên 133.918 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều nhà băng cùng quy mô tài sản hiện tại ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn nhiều trong cùng giai đoạn trên.
Trong 6 tháng đầu năm nay, các chỉ tiêu cho vay, huy động tiền gửi của Eximbank tăng trưởng trở lại lần lượt 6% và 4% sau khi thụt lùi trong năm 2020.
Lợi nhuận đi ngang
Không chỉ bị nhiều ngân hàng vượt mặt về quy mô tài sản những năm qua, Eximbank cũng đang tụt lại về cuộc đua lợi nhuận. Dù tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 22% trong năm 2020, đạt 1.340 tỷ đồng, Eximbank chỉ đứng thứ 19 trong toàn hệ thống, kém xa so với vị thế trong nhóm các ngân hàng tư nhân hàng đầu cách đây nhiều năm.
Còn sau nửa đầu năm, khi nhiều ngân hàng khác bứt phá về lợi nhuận thì Eximbank chỉ tăng trưởng vỏn vẹn 1%, đạt 555 tỷ đồng. Trên bảng xếp hạng về lợi nhuận sau 6 tháng, ngân hàng này rớt khỏi top 20 và nằm ở nhóm cuối về lợi nhuận.
Trong khi đó, theo tài liệu để trình phiên họp đại hội cổ đông thường niên 2021, Eximbank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 2.150 tỷ đồng. So với con số này, mức lãi sau 6 tháng mới đạt hơn 25% kỳ vọng. Dù vậy, mục tiêu trên cũng chưa thể chính thức được thông qua khi Eximbank không thể tiến hành họp đại hội cổ đông.
Kết quả kéo theo là nhóm các chỉ số tài chính thể hiện tỷ suất sinh lời của Eximbank thấp hơn nhiều so với các ngân hàng tương đồng về quy mô tổng tài sản.
Theo số liệu của FiinPro và SSI, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của Eximbank hiện chưa đến 1%, trong khi các ngân hàng như OCB, MSB, TPBank đều từ 2% trở lên. Còn tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Eximbank chỉ đạt hơn 6%, thấp hơn nhiều mức bình quân từ 20% trở lên của nhiều ngân hàng khác.
Một trong những yếu tố khiến tỷ suất sinh lời của Eximbank thua kém các ngân hàng khác là chi phí quá lớn, thể hiện hoạt động vận hành không được tối ưu. Tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) của Eximbank trong 6 tháng đầu năm lên tới gần 60% trong khi chỉ số này của nhiều nhà băng khác chỉ ở mức trên dưới 30%.
Một chỉ số quan trọng khác với các ngân hàng là biên lãi thuần (NIM) của Eximbank cũng ở mức thấp hơn so với trung bình ngành. NIM quý II của Eximbank chỉ đạt 2,3%. Trong khi đó, nhiều ngân hàng đối thủ có NIM dao động trên dưới 4%.
Mặc dù các chỉ số tài chính không ấn tượng, cổ phiếu EIB của Eximbank đã tăng 33% từ đầu năm nay cùng với đà tăng của nhóm ngân hàng trên sàn chứng khoán. Hiện thị giá EIB giao dịch ở mức 25.600 đồng, tương đương vốn hóa hơn 31.400 tỷ đồng (1,4 tỷ USD).