Thấy gì từ vụ “kho cà phê” cầm cố 7 ngân hàng?

Thêm một trường hợp nữa, tuần rồi, việc 7 ngân hàng tranh chấp quyền định đoạt kho hàng hơn 3.000 tấn “cà phê”của Công ty TNHH Trường Ngân (Bình Dương) lại đặt ra những bất ổn trong hoạt động cho vay thế chấp hàng hóa.

Khoảng một năm trở lại đây, một loạt các vụ việc tương tự đã xẩy ra. Một số người trong cuộc dự báo sẽ vẫn còn tiếp tục, bởi thực tế là khó tránh…

“Cà phê” thế chấp trong kho của Công ty Trường Ngân.
“Cà phê” thế chấp trong kho của Công ty Trường Ngân.

Ngại cho vay thế chấp hàng

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Người dân Kiên Giang thu nhập bình quân gần 45...

Đã đến lúc bỏ tiền xây khách sạn tại Đà Nẵng?

VPCapital dọa kiện chủ đầu tư TTTM Chợ Mơ

Luật Đất đai sửa đổi: Cho phép làm sổ đỏ qua mạng

Náo động và căng thẳng là cảnh thường thấy khi ngân hàng xiết nợ trong những vụ việc trên. Tại Công ty Trường Ngân chiều 6/12 hẳn có thêm một khoảng lặng, dù không mới.

7 ngân hàng giành quyền định đoạt kho hàng hơn 3.000 tấn “cà phê” đã thế chấp. Nhưng khi kiểm tra, hàng trăm tấn chỉ là vỏ và tạp chất, thậm chí tro trấu và đất cát độn hàng…

Cùng lúc, các ngân hàng rơi vào hai rủi ro: tranh chấp tài sản thế chấp và chất lượng tài sản thế chấp. Hay doanh nghiệp vay vốn cùng lúc có hai dấu hiệu lừa đảo: dùng cùng một nguồn hàng thế chấp tại nhiều ngân hàng, rút ruột hoặc làm giả hàng thế chấp.

Những rủi ro trên không mới, hơn ai hết các cán bộ tín dụng nằm lòng, nhiều trường hợp đã phải trả giá đắt không chỉ về kinh tế mà cả về pháp lý. Nhưng vẫn khó tránh, bởi thực tế còn nhiều bất cập, nhất là khi doanh nghiệp vay vốn có mục đích xấu.

Giám đốc một chi nhánh ngân hàng trả lời khi VnEconomy tham vấn rằng, khi những sự việc như vậy xẩy ra, trách nhiệm và nguyên nhân cả từ khách hàng và ngân hàng. Nhưng một khâu quan trọng ở đây là chất lượng của hệ thống giao dịch đảm bảo; hệ thống của họ có kết nối được chặt chẽ hay không để tránh rủi ro tài sản thế chấp cho ngân hàng.

“Với những rủi ro trên, các ngân hàng thường ngại cho vay thế chấp bằng hàng hóa. Nhân viên không thể dựng lều, mắc võng trước cửa kho, từng ngày từng giờ kiểm đếm hàng hóa. Thuê người bảo vệ vẫn có thể bị rút ruột như nhiều trường hợp vừa qua. Đây cũng là một lý do khiến tăng trưởng tín dụng thấp, vì ngân hàng ngại cho vay”, giám đốc chi nhánh ngân hàng trên nhìn nhận.

Ông phân tích, cho vay thế chấp hàng hóa chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu vốn lưu động ngắn hạn. Hầu hết các ngân hàng tranh thủ hệ thống kho hàng của khách vay, đây cũng chính là hạn chế dễ dẫn tới rủi ro.

“Chắc ăn hơn, các ngân hàng vẫn ưa cho vay thế chấp bằng bất động sản. Nhưng doanh nghiệp lấy đâu ra nhiều bất động sản, nhất là khi cùng lúc vay tại nhiều ngân hàng? Thậm chí anh có nhiều bất động sản, ngân hàng lại nghi là vốn vay trước đây dùng không đúng mục đích. Không có bất động sản thì thế chấp bằng hàng hóa, thiết bị, cũng là tài sản của doanh nghiệp. Ngân hàng không nhận thế chấp thì không hỗ trợ doanh nghiệp được, không cải thiện được chỉ tiêu tín dụng…”.

Cho nên vị giám đốc chi nhánh trên chia sẻ, có những trường hợp nhân viên đưa hồ sơ về, đã thẩm định chặt chẽ, nhưng vừa ký vừa… run, ký rồi có đêm mất ngủ. Bởi lẽ, điểm lại những vụ việc thời gian qua, ban đầu những doanh nghiệp vay vốn đều rất uy tín, làm ăn tốt…

Những giải pháp bất khả thi?

Như trên, doanh nghiệp không có nhiều tài sản ưa thích trong thế chấp là bất động sản. Thế chấp hàng hóa là một cách, ngân hàng không nhận thì không hỗ trợ được doanh nghiệp, không thúc đẩy được tín dụng.

Để tránh những rủi ro trên, một lãnh đạo ngân hàng trong vụ Công ty Thủy sản Phương Nam (vụ việc khiến nhiều cán bộ ngân hàng bị bắt, do lãnh đạo doanh nghiệp lừa đảo và rút ruột hàng thế chấp) cho rằng, ngoài các nghiệp vụ cần thiết và đương nhiên phải làm, các ngân hàng cần ngồi lại với nhau để ra được một văn bản thỏa thuận xử lý trong tình huống rủi ro nhận thế chấp cùng một kho hàng.

Nếu có thỏa thuận trên, các bên tuân thủ và sẽ giảm thiểu nhất định thời gian, thiệt hại khi có cùng rủi ro xẩy ra. Tuy nhiên, sau hàng loạt vụ việc, tính khả thi của giải pháp trên vẫn chưa thấy.

Thứ hai, giải pháp mà vị lãnh đạo ngân hàng trên đưa ra, đúng hơn là mong muốn, là làm sao có được quy định pháp lý về việc một doanh nghiệp trong một thời điểm chỉ được vay một ngân hàng (hoặc vay hợp vốn qua một đầu mối); hoặc chí ít là có sự hạn chế nào đó, tránh tình trạng rất khó kiểm soát khi cùng lúc vay đến cả chục ngân hàng.

Thứ ba, giải pháp và cũng là mong muốn, nếu có thể quy định doanh nghiệp chỉ được mở 1 tài khoản thanh toán, để ngân hàng cho vay tiện giám sát về lưu chuyển dòng tiền.

Tuy nhiên, cho đến nay những giải pháp đó vẫn chỉ là ý muốn từ phía ngân hàng sau khi sự việc xẩy ra.

Còn theo giám đốc chi nhánh ngân hàng mà VnEconomy tham vấn, khi thấy doanh nghiệp có dư nợ tại quá nhiều ngân hàng thì cần dè chừng. Thêm nữa, hệ thống giao dịch đảm bảo cũng phải chặt chẽ hơn về tài sản thế chấp. Và để chắc ăn là thiết lập hệ thống kho hàng của chính ngân hàng.

Hiện một số ngân hàng như Sacombank, HDBank… đã từng bước thiết lập hệ thống kho hàng riêng, để thực sự “khóa” được hàng thế chấp vay vốn. Hoặc một hướng khác là liên kết và thuê hệ thống kho hàng tại các địa bàn.

Tuy nhiên, chi phí ở đây cũng là một trở ngại, dồn vào lãi suất. Chưa kể, vẫn có thực tế ngân hàng cả nể, ngại mếch lòng doanh nghiệp khi lật tung từng thùng hàng để kiểm tra và chuyển về kho của mình…

Dù bất thành văn, nhưng cả nể, ngại mếch lòng là thực tế có trong bối cảnh các nhà băng đang cạnh tranh để cho vay, hay các chi nhánh hàng ngày vẫn đang chịu áp lực lớn của chỉ tiêu tín dụng.

Theo Minh Đức
Vneconomy

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước