1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Thấy gì từ hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động?

(Dân trí) - Những thách thức của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn đã và đang dần loại bỏ khỏi thị trường các doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức tồn tại, hoặc không kịp thay đổi để thích nghi với điều kiện mới.

(Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ).

(Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ).

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014 đang diễn ra tại Hà Nội sáng nay (28/4), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, bước sang năm 2014, mặc dù nền kinh tế duy trì một số dấu hiệu tích cực nhưng nhìn chung vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn hạn.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Khó khăn trong sản xuất kinh doanh chưa được giải quyết triệt để và ngày càng tác động rõ hơn đến người dân và doanh nghiệp. Thị trường trong nước chưa phát triển mạnh, sức cầu của nền kinh tế tiếp tục duy trì ở mức thấp. Tổng cầu của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể. 

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (loại trừ yếu tố giá) chỉ tăng 5,7%  năm 2013 và 5,1% quý I/2014, thấp hơn mức tăng 6,5% của năm 2012. Tốc độ phục hồi sản xuất chậm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm 2014 cũng chỉ duy trì ở mức tăng thấp 5,2% (cùng kỳ năm 2013 là 5%). Nguồn vốn bị ách tắc trong hệ thống ngân hàng. Tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng trong quý I/2014 không những chưa có sự cải thiện so với cùng kỳ năm trước mà còn có dấu hiệu giảm sút cho thấy nền kinh tế chưa phục hồi rõ nét, nhu cầu tín dụng cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và nên kinh tế còn thấp do khó khăn về vấn đề giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho và sức cầu thấp của nền kinh tế.

Đến 20/3/2014, tổng phương tiện thanh toán mới chỉ ước tăng 3,56% so với tháng 12/2013, thấp hơn cùng kỳ năm 2013 (3,85%). Tín dụng đối với nền kinh tế đến 20/3 giảm 0,57% so với tháng 12/2013 (cùng kỳ 2013 tăng 0,03%), trong đó dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế bằng VND ước giảm 1,38%.

Song song với đó, từ năm 2010, ảnh hưởng của khó khăn kinh tế cũng đã khiến tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ tăng đáng kể, từ 25,14% năm 2010 lên 65,8% vào hết tháng 9/2013. Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi cũng giảm từ 64,12% năm 2010 xuống còn 34,2% vào hết tháng 9/2013.

Thua lỗ nhiều và kéo dài khiến doanh nghiệp rơi vào phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động. Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo ngại, tình trạng này sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng xấu cho kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung trong thời gian tới.

Số lượng doanh nghiệp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động lớn. Năm 2013 đã có 60.737 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, tăng 11,9% so với 2012. Trong quý I/2014 đã có thêm 16.745 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2013. 

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực tế này cho thấy chất lượng doanh  nghiệp đang được sàng lọc. Những thách thức của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn đã và đang dần loại bỏ khỏi thị trường các doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức tồn tại, hoặc không kịp thay đổi để thích nghi với điều kiện mới.

Tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc chủ yếu vào khu vực FDI, trong khi tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Năm 2013, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước là 3,9% tuy cao hơn 2012 nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước.

Tại hội nghị hôm nay, Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ: các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương sẽ lắng nghe phản ánh cũng như kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp, từ đó bàn bạc và đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực tháo gỡ, phù hợp mục tiêu phát triển chung.

Bích Diệp
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước