1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Thấy gì từ "đại án" Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm?

Thất thoát hàng nghìn tỷ đồng từ 2 đại án Phạm Công Danh và Oceanbank, cùng với những toan tính của người trong cuộc phần nào cho thấy được “quyền lực” thực sự của các ông chủ ngân hàng giai đoạn căng thẳng thanh khoản 2009-2012. Dù vậy, dấu chấm hỏi cho quyền kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước đang ở đâu trong giai đoạn này khiến nhiều người phải bật thốt lên: Sao họ “rút” tiền dễ thế?


Đường đi của dòng tiền lãi ngoài sẽ rõ hơn trong giai đoạn 2 của đại án Phạm Công Danh?

Đường đi của dòng tiền "lãi ngoài" sẽ rõ hơn trong giai đoạn 2 của đại án Phạm Công Danh?

“Trò ma” của các đại gia ngân hàng

Không khó để tìm thấy điểm chung giữa các sai phạm của đại án Phạm Công Danh (VNCB) và đại án Hà Văn Thắm (Oceanbank), đó là khi “quyền lực” của các ông chủ ngân hàng thực sự quá lớn, cùng với mối quan hệ “zích zắc” với nhau nên bất chấp những thiếu sót trong hợp đồng vay vốn, bỏ qua quy trình thẩm định về năng lực, khả năng trả nợ của chủ thể vay vốn, quy định trong hoạt động cấp tín dụng cũng bị... lờ đi, nên dễ dàng dẫn đến những “lỗ thủng” mà hậu quả của nó sẽ còn ảnh hưởng rất lâu dài.

Cụ thể, với đại án Oceanbank, khi nắm trong tay tỷ lệ sở hữu lên tới 73,4% (theo lời khai của Hà Văn Thắm tại tòa), Thắm hoàn toàn có thể quyết định các quyết sách của Oceanbank. Thế nên, không khó hiểu khi Hà Văn Thắm lại duyệt cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ đồng (thông qua Công ty Trung Dung) khi tổng giá trị tài sản đảm bảo cho khoản vay nói trên theo xác định của cơ quan điều tra tại thời điểm giải ngân chỉ đáng hơn... 70 tỷ đồng và đến nay Oceanbank cũng không thu hồi được số tiền này.

Chưa kể, với “quyền lực” của mình, Hà Văn Thắm đã sử dụng nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh của OceanBank với gần 1.600 tỷ đồng để chi và nhận chi lãi ngoài, vi phạm nghiêm trọng quy định của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất huy động vốn.

Còn với đại án Phạm Công Danh, sau khi nắm quyền kiểm soát Ngân hàng Đại Tín (sau này là Ngân hàng Xây dựng - VNCB) từ Hà Văn Thắm, với số cổ phần được chuyển nhượng là hơn 252.000 cổ phần (tương đương 84,9% vốn điều lệ), Phạm Công Danh với vai trò Chủ tịch HĐQT đã chỉ đạo thành lập hàng loạt công ty “ma” để rút tiền của nhà băng này. Hàng loạt “giám đốc” là bảo vệ, lái xe, lao công... của những công ty “ma” này sau đó ra tòa mới biết vô tình tiếp tay cho Phạm Công Danh rút ruột ngân hàng VNCB thế nào...

Riêng với vai trò của ông Trầm Bê, liên quan đến khoản vay của Phạm Công Danh tại Sacombank, ông Trầm Bê khi đó với chức danh là Chủ tịch Hội đồng Tín dụng nên được cấp phép tối đa là 1.800 tỷ đồng. Nếu cho vay hơn số này thì phải trình lên HĐQT quyết định, sẽ rất mất thời gian không thể cho vay ngay được. Chưa kể, nếu trình lên HĐQT, sẽ có thể có nhiều ý kiến khác nhau đối với khoản vay này vì là khoản vay lớn. Do vậy, ông Trầm Bê đã quyết định cho Phạm Công Danh vay khi hồ sơ các khoản vay của 6 công ty (do Phạm Công Danh sở hữu) chưa đầy đủ.

Vì lý do gì Trầm Bê quyết định cho Phạm Công Danh vay 1.838 tỷ đồng chỉ trong vài ngày và vướng vào vòng lao lý, đến nay vẫn là điều bí ẩn? Dẫu vậy, giới tài chính vẫn có đồn đoán, nhiều khả năng Trầm Bê cũng nhận khoản “lót tay” đáng kể từ Phạm Công Danh khi duyệt khoản vay này.

Chi lãi ngoài: “Cực chẳng đã...” hay “Phóng lao phải theo lao”?

Công bằng mà nói, theo giới tài chính thì câu chuyện chi lãi ngoài trong giai đoạn căng thẳng thanh khoản 2009-2012 không phải là bất ngờ. Còn nhớ, trong giai đoạn 2008-2009, hệ thống ngân hàng phải chạy đua đẩy mạnh huy động vốn để giải quyết căng thẳng thanh khoản do tín dụng tăng trưởng quá “nóng”. Câu chuyện ở đây là với một Ngân hàng nhỏ như OceanBank khi đó, nếu muốn cạnh tranh thu hút tiền gửi thì buộc phải tăng lãi suất cao hơn, và nếu không dựa vào các mối quan hệ, không chịu chi “chăm sóc” khách hàng với những khoản tiền “lại quả” lớn thì chắc chắn sẽ không thu hút được dòng tiền.

Đáng nói, ẩn sau mỗi giao dịch tại OceanBank thường đi kèm những khoản tiền “lại quả” hàng chục, hàng trăm tỷ đồng cho người có quyền ký duyệt vẫn diễn ra âm thầm, suôn sẻ, bất chấp các chỉ đạo cũng như thanh tra gắt gao của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động huy động lãi suất vượt trần, hay chi phí “chăm sóc” khách hàng… và không có bất kỳ vụ việc “đi đêm” lãi suất tiền gửi nào bị phát hiện, xử lý đến thời điểm vụ việc bị phanh phui.

Tương tự, tại Đại án Phạm Công Danh, câu chuyện về chi lãi ngoài cũng được chính ông Danh khai tại tòa trong phiên xét xử giai đoạn 1 của vụ án. Cụ thể, tại tòa Phạm Công Danh và nhiều bị cáo cũng khai rằng VNCB đã phải huy động vượt trần lãi suất 2-4%/năm. Riêng Danh khai đã chi lãi suất ngoài lên đến 2.500 tỷ đồng cho nhóm Trần Ngọc Bích... Tuy chưa xác định được lời khai này trong giai đoạn 1 của vụ án, nhưng chắc chắn đường đi của dòng tiền chi lãi ngoài này (nếu có), sẽ được làm rõ trong giai đoạn 2 của đại án này.

Dù vậy, không thể không nói đến việc “bất đắc dĩ” của Phạm Công Danh khi phải chi lãi ngoài dưới cái tên “chi chăm sóc khách hàng” như lời Danh thổ lộ tại tòa: “"Chi phí cho các khoản tiền chi nhánh ứng ra chi chăm sóc khách hàng (thậm chí dùng tiền nhà để chi chăm sóc) thì tôi không có giấy tờ, nhưng tôi có chứng cứ cho thấy việc huy động vượt trần trái quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là có thật và tôi phải đứng ra chi trả đầy đủ các chi phí này thì ngân hàng (chi nhánh) mới huy động được...”.

Tiến sỹ - Luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia Kinh tế - Tài chính, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM

“Trần lãi suất huy động giai đoạn đó là 14% và rất nhiều ngân hàng đã vướng chi ngoài lãi suất vượt trần với mục đích huy động vốn. Nếu xét theo góc độ pháp lý thì việc chi ngoài trần lãi suất quy định đã là vi phạm pháp luật rồi. Tuy nhiên, nếu xét về nhu cầu vốn thì có thể hiểu được tại sao nhiều ngân hàng vẫn làm vậy bởi thời điểm đó thanh khoản rất căng, nên nhiều ngân hàng bắt buộc phải chi ngoài để huy động nguồn vốn. Trong điều kiện đó, Ngân hàng Nhà nước đưa ra trần lãi suất - một biện pháp hành chính mà không đưa ra sự hỗ trợ khác để hỗ trợ cho các ngân hàng hoạt động là rất khó.

Tôi ví dụ, hiện nay Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất chỉ áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng trở xuống và các kỳ hạn trên 6 tháng thì được mở lãi suất huy động tự do; hỗ trợ cho các thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng cũng như các chính sách về giá, cấp tín dụng vốn... Nhưng ngày xưa thì không có hoặc các chính sách chưa hỗ trợ hiệu quả, trong khi lại áp dụng trần lãi suất cho tất cả các kỳ hạn trong điều kiện thanh khoản căng như thế nên các Ngân hàng sai phạm cũng là dễ hiểu”.

Theo Quốc Hải
Dân Việt