Thấy gì qua vụ phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì thanh long xuất khẩu?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Việc chủ động kiểm tra, rà soát quy trình thu hoạch, đóng gói, chế biến và vận chuyển nông sản an toàn là điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn phức tạp.

Chỉ mới là trường hợp hi hữu, không nên quá lo lắng 

Ngày 16/9, Bộ Công Thương cho biết đã nhận được thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh về việc chính quyền Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực cầu phao tạm Đông Hưng.

Thời gian dừng nhập khẩu là 7 ngày do phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì bọc quả thanh long và thùng carton đựng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.

Trao đổi với Dân trí, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - cho biết, Việt Nam quan hệ thương mại với hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên tính đến hiện tại, ngoài phía Trung Quốc chưa có nơi nào phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.

Thấy gì qua vụ phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì thanh long xuất khẩu? - 1

Việt Nam vẫn đang xuất khẩu thanh long qua cửa khẩu Tân Thanh với công suất hàng trăm xe mỗi ngày.

Cũng theo ông Trung, tính đến thời điểm này việc xuất khẩu thanh long cũng như các mặt hàng khác từ phía Việt Nam sang Trung Quốc tại các cửa khẩu các vẫn diễn ra bình thường. "Chúng ta vẫn đang xuất khẩu thanh long qua cửa khẩu Tân Thanh với công suất hàng trăm xe mỗi ngày", ông Trung thông tin.

Không chỉ cửa khẩu biên giới, xuất khẩu thanh long qua đường biển ở TPHCM sang Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường, ông Trung cho hay.

Vị lãnh đạo cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu, bà con vùng trồng thanh long của Việt Nam không nên quá lo lắng trước thông tin này, bởi đây chỉ là trường hợp rất hi hữu. Chỉ xảy ra ở Đông Hưng, còn ở các cửa khẩu khác và kênh xuất khẩu khác vẫn diễn ra bình thường. Phía Đông Hưng cũng thông báo, sau 23h ngày 21/9, mặt hàng thanh long sẽ tự động được khôi phục thông quan nhập khẩu qua địa điểm này.

Tính đến hiện tại, ông Trung cho biết, mặt hàng thanh long của Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 1,7 triệu tấn. Trước đó, cả năm 2020, tổng khối lượng xuất khẩu mặt hàng này là 1,92 triệu tấn.

"Không cần quá lo lắng, doanh nghiệp, bà con nông dân nên tiếp tục tập trung vào chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời đảm bảo các quy trình về phòng chống dịch trong việc vận chuyển, đóng gói. Đảm bảo an toàn từ khâu vùng trồng đến khâu lái xe, giao nhận hàng hóa. Không để việc xuất hiện các ca nhiễm làm ảnh hưởng, gián đoạn lưu thông, tiêu thụ", ông Trung nhấn mạnh.

Quy trình kiểm soát hàng hóa an toàn Covid-19 ở các điểm "nóng" như thế nào?

Sau khi xuất hiện thông tin về việc Trung Quốc phát hiện virus SARS-CoV-2 trên mẫu bao bì thanh long, Sở Công Thương Quảng Ninh đã có văn bản thông báo tới Sở Công Thương các địa phương, doanh nghiệp, thương nhân thường xuyên hoạt động xuất khẩu tại điểm xuất hàng Km 3+4 để chủ động phương án phân luồng hàng hóa.

Bộ Công Thương cũng đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chủ động theo dõi, cập nhật thông tin và trao đổi với đối tác Trung Quốc để thay đổi địa điểm giao nhận hàng phù hợp.

Đồng thời, các tỉnh, doanh nghiệp cần học tập kinh nghiệm của Bắc Giang, chủ động kiểm tra, rà soát quy trình thu hoạch, đóng gói, chế biến và vận chuyển nông sản, nhất là trái cây, để giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19.

Thấy gì qua vụ phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì thanh long xuất khẩu? - 2

Việc đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm hàng hóa khi ra khỏi tỉnh Bắc Giang rất được chú trọng, nghiêm ngặt,

Trao đổi với Dân trí về kinh nghiệm trong việc đảm bảo an toàn hàng hóa tại điểm nóng vùng dịch, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang - cho biết tỉnh xây dựng cả quy trình về vấn đề này. Việc đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm hàng hóa khi ra khỏi tỉnh rất được chú trọng, nghiêm ngặt.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang - nhớ lại, thời điểm đó, Bắc Giang là "tâm dịch" của cả nước, lại đúng thời điểm thu hoạch, tiêu thụ vải thiều nên cả hệ thống phải hết sức tập trung, sử dụng kết hợp nhiều biện pháp.

Theo đó, tỉnh áp dụng nhiều biện pháp từ ban hành kế hoạch sản xuất vải an toàn, thiết lập vùng trồng an toàn đến khâu kiểm soát thông qua các chốt tại các địa phương sản xuất vải thiều, đảm bảo công tác phòng chống dịch cho hàng hóa, người và phương tiện ra vào vùng sản xuất đến việc hỗ trợ test nhanh Covid-19 cho lái xe, phụ xe vận chuyển vải thiều trong và ngoài tỉnh.

Đồng thời, tỉnh tổ chức cấp giấy chứng nhận lô vải thiều an toàn không Covid-19, Giấy chứng nhận đã xét nghiệm cho lái xe, người ngồi trên xe tham gia lưu thông, tiêu thụ...

Riêng với phương thức đóng gói bao bì, ông Thọ cho biết sẽ tùy thuộc vào yêu cầu từng thị trường. Với Trung Quốc thì thùng xốp, với thị trường Nhật là thùng carton… Trước khi vận chuyển lên xe, sẽ phun khử khuẩn bên ngoài. Ở mỗi các chốt kiểm soát tại các địa phương đều có các chốt kiểm soát ở các địa phương cũng có những chốt khử khuẩn.

"Khi ra khỏi Bắc Giang là lô hàng có đầy đủ chứng nhận an toàn đảm bảo không có Covid-19, lưu thông luồng xanh ưu tiên. Chúng tôi cực kỳ chú tâm đến yếu tố đảm bảo sự an toàn bên cạnh việc đảm bảo chất lượng", ông Thọ nhấn mạnh.

Việc đặt an toàn lên hàng đầu thời Covid-19, theo ông Thọ, áp dụng cả đối với thị trường trong chứ không riêng gì xuất khẩu. Nếu có yếu tố dịch tễ thì sẽ rất khó khăn.

"Kế hoạch phương án, triển khai được thực hiện rốt ráo từ lãnh đạo tỉnh đến các cơ quan chức năng, các cấp huyện xã... Vừa khoanh vùng dập dịch vừa tiêu thụ an toàn. Không chỉ đối với vải mà còn nông sản khác", ông Thọ cho hay.

Cũng theo ông Thọ, trước khi đem lưu thông hàng, ngành y tế tỉnh Bắc Giang sẽ lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho toàn bộ nhà vườn, hộ nông dân, người thu mua, thương nhân, lao động trên địa bàn. Các thương nhân, đại lý, điểm thu mua được yêu cầu phải đăng ký rõ ràng nơi thu mua, có bao nhiêu lao động, bao nhiêu lái xe để vận chuyển hàng hóa.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương nhanh chóng thành lập 2 tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều của tỉnh tại các cửa khẩu Kim Thành tỉnh Lào Cai và cửa khẩu Tân Thanh tỉnh Lạng Sơn thường xuyên thường trực tại cửa khẩu, phối hợp với các lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc của thương nhân và doanh nghiệp trong quá trình thông quan xuất khẩu vải thiều.

Song hành cùng với các giải pháp, Bắc Giang cũng đã sớm có đề nghị Trung ương và các địa phương hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động lưu thông. Qua đó, tỉnh đã sớm ban hành các văn bản đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, thương nhân và nhân dân sản xuất, thu hoạch và được phép lưu thông, vận chuyển tiêu thụ vải thiều thuận lợi tại thị trường trong và ngoài nước.

Theo thông tin từ ông Thọ, năm nay, mặc dù chịu tác động từ Covid-19 rất lớn khi trở thành tâm dịch, song lượng tiêu thụ vải vẫn cao nhất từ trước đến nay, với hơn 215.000 tấn dù phía nhập khẩu các nước họ tiến hành kiểm soát chặt chẽ, tổ chức xét nghiệm nghiêm ngặt.

Không chỉ Bắc Giang, Hải Dương cũng từng là "điểm nóng" Covid-19. Chia sẻ kinh nghiệm trong đảm bảo an toàn hàng hóa khi lưu thông, ông Phạm Thanh Hải - nguyên Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương - cho biết, vấn đề này được tỉnh rất chú trọng.

"Những người tham gia, tiếp xúc các mặt hàng nông sản đều không thuộc diện F0, F1 hay F2. Từ lúc thu hoạch đến sơ chế, bảo quản, đóng gói đều được giám sát rất kỹ việc này. Vùng bị phong tỏa thì lao động nơi khác đến thu hoạch giúp. Khi vận chuyển thì qua nhiều chốt phun khử khuẩn, ra khỏi địa bàn xã có thể là xe khác ngoài vùng dịch đến nhận", ông Hải cho hay.

Tuy nhiên ông Hải cũng cho biết, việc đảm bảo an toàn nhưng cũng cần tránh "tắc nghẽn" lưu thông. Theo đó, cần bỏ kiểm soát ở các chốt trung gian cho nông sản nhanh lưu thông đến đích, chỉ chú ý kiểm soát điểm đầu và cuối, bao gồm cả khử khuẩn.