Thất thoát hàng chục nghìn tỷ vì tham nhũng; Xăng dầu tăng giá mạnh cuối tuần
(Dân trí) - Trong tuần vừa qua, bên cạnh những thông tin kinh tế tiếp tục gây chú ý với những bàn luận quanh việc đánh giá lại vai trò của các “quả đấm thép” – các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; việc thống kê thu nhập xe ôm, bán vỉa hè vào GDP hay những lo ngại về thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng nhìn từ sai phạm của hai cựu Bộ trưởng.
Thống kê cả xe ôm, bà bán bún ốc vào GDP: Lo bệnh thành tích "ảo"
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sẽ tiến hành đo lường thử nghiệm năm 2019, đo lường chính thức năm 2020 và các năm tiếp theo. Việc xây dựng phương pháp thống kê cụ thể cũng như danh mục hoạt động kinh tế chưa được quan sát đang được cơ quan có thẩm quyền thực hiện.
Bình luận về đề án này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, đây là một yêu cầu chính đáng trong bối cảnh khu vực kinh tế chưa quan sát được chiếm tỷ lệ % GDP cao nhưng chỉ đóng góp con số rất nhỏ cho nguồn thu ngân sách.
Tuy nhiên, ông Doanh cho rằng, việc thống kê là một lẽ nhưng có thu được thuế không còn phụ thuộc vào bộ máy nhà nước do khu vực này có những đặc điểm đặc thù.
Theo vị chuyên gia, cơ quan thuế muốn thu thuế của những đối tượng như người chạy xe ôm hay người bán bún riêu, bún ốc không dễ dàng vì khó kiểm soát.
Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, kinh tế chưa quan sát được nếu tính không đúng sẽ khiến GDP bị "giả tạo". Theo đó, khi GDP được tính không chính xác sẽ ảnh hưởng đến nợ công bởi quy định trần nợ công được tính dựa trên GDP.
"Theo tôi tính khả thi khó, nhiều nước tính cũng khó và không chính xác. Hiện nay, ngay số liệu công khai còn khiến giới chuyên môn nghi ngờ nên tôi cho rằng việc tính kinh tế chưa quan sát vào GDP ngay sẽ có hiệu luỵ, cần tính và kiểm định, xác định rồi mới đưa vào GDP, ít nhất là một thời gian quá độ", ông Long nói.
Vẫn chưa xử lý xong vụ xe biển xanh vào sân bay đón người nhà Bộ trưởng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2019 tổ chức chiều 1/3 tại Hà Nội, đại diện Bộ Công Thương đã trả lời câu hỏi của phóng viên xung quanh kết quả xử lý cá nhân, tập thể để xảy ra việc xe ô tô biển xanh vào tận sân bay đón người nhà Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hiện Bộ Công Thương vẫn đang họp, giao trách nhiệm kiểm điểm cá nhân, tập thể vi phạm. Quá trình xử lý vẫn đang diễn ra và Bộ Công Thương sẽ thông tin sau.
GS Nguyễn Kế Tuấn: "Ví các tập đoàn như quả đấm thép, đấm ai ở thời đại này?"
GS, TS Nguyễn Kế Tuấn, Đại học Kinh tế Quốc dân
"Tôi rất dị ứng với việc ví các tập đoàn như "quả đấm thép"? Đấm ai trong thời đại này? Chúng ta có đủ sức đấm không?", GS Nguyễn Kế Tuấn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nêu trong buổi tọa đàm sáng 26/2.
Theo GS Tuấn, lâu nay vai trò của các tập đoàn kinh tế Nhà nước là vấn đề mang tính thời sự vì nắm giữ nhiều lĩnh vực then chốt. Nếu phát huy vai trò tích cực sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước. Nhưng, ngược lại nếu có trục trặc lại không chỉ ảnh hưởng đến chính nó mà còn cả toàn xã hội.
Bên cạnh những gam màu sáng của một vài tập đoàn kinh tế Nhà nước thì đa số còn lại là gam màu xám; các tập đoàn Nhà nước vẫn nắm các ngành, lĩnh vực không phải như trọng yếu, then chốt như dệt may, hóa chất, cao su...
''Vấn đề quan trọng là nắm các ngành, lĩnh vực đó nhưng hiệu quả hoạt động thấp, không tương xứng với nguồn lực đầu tư; thua lỗ và nợ lớn, thất thoát, lãng phí tài sản...", ông Tuấn nói.
Thất thoát hàng chục nghìn tỷ nhìn từ sai phạm của ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn
Ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn bị khởi tố vì những sai phạm liên quan đến thương vụ MobiFone-AVG
Nói về việc hai cựu Bộ trưởng Bộ TTTT ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG, TS Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế, cho rằng suốt thời gian dài chúng ta đã giao quyền và tài sản của Nhà nước không đúng người khiến hàng chục nghìn tỷ của dân chảy vào túi không đáy của một nhóm người.
MobiFone là một DNNN lớn do Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) quản lý nên những sai phạm có thể nói là rất nghiêm trọng của MobiFone trong việc mua lại AVG, suýt gây thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng có phần trách nhiệm của lãnh đạo Bộ TTTT, thậm chí là trách nhiệm chính.
Vị chuyên gia đánh giá, việc khởi tố, bắt giam hai cựu Bộ trưởng Bộ TTTT (ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn) là việc làm cần thiết và đúng pháp luật nhằm mục tiêu xử lý kiên quyết và triệt để các sai phạm đã diễn ra. Đây là một vụ án tham nhũng lớn, điển hình.
Việc khởi tố hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn không chỉ một lần nữa khẳng định cuộc chiến chống tham nhũng không có vùng cấm mà còn là điển hình cho những vụ án chống tham nhũng tiếp theo. Đồng thời, có tác dụng răn đe và cảnh báo rất rõ ràng cho những kẻ đã, đang và muốn tham nhũng tài sản của Nhà nước.
Cặp vợ chồng già đi đòi tiền mua lúa suốt 43 năm, Sở Tài chính Bạc Liêu nói gì?
Ông Trần Văn Sỹ- Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài chính tỉnh Bạc Liêu nói về vụ khiếu nại tiền bán lúa của vợ chồng ông Quang, bà Cam
Tại buổi họp báo mới đây của Ban Tuyên giáo tỉnh Bạc Liêu, ông Trần Văn Sỹ- Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài chính tỉnh Bạc Liêu, đã có thông tin về vụ việc đòi tiền bán lúa của vợ chồng ông Lâm Minh Quang (SN 1926) và bà Huỳnh Thị Cam (SN 1938, ngụ TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).
Nội dung vụ việc: Vào tháng 7/1975, Ban thu mua lương thực tỉnh Bạc Liêu đã đến nhà máy Tân Ngọc Thành của gia đình ông Quang, bà Cam để lập biên bản thu mua 2.579,551 tấn lúa nhưng đến nay chưa thanh toán đủ.
Từ đó, vợ chồng ông Quang có khiếu nại đến UBND tỉnh Bạc Liêu và cơ quan Trung ương về việc này từ nhiều năm qua.
Trên cơ sở đề xuất của Thanh tra Chính phủ trong kết luận 1425, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng) đã có ý kiến chỉ đạo đồng ý giải quyết cho gia đình bà Cam theo kết luận 1425, với số tiền quy ra là 3,366 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ đạo chấm dứt xem xét đối với vụ việc khiếu nại của gia đình bà Cam.
“Nay gia đình bà Cam đòi tiếp 1.897 tấn, cái này không có cơ sở để giải quyết, vì Thanh tra Chính phủ đã kết luận rồi. Nếu bà Cam không đồng ý thì khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ hoặc cao hơn. Khi Thanh tra Chính phủ hoặc cấp cao hơn đề nghị tỉnh Bạc Liêu trả hết thì tỉnh mới trả được”, ông Sỹ nói.
Xả quỹ ở mức cao, giá xăng dầu vẫn phải tăng gần 950 đồng/lít
Giá xăng dầu tăng mạnh sau nhiều phiên giữ giá trước đó.
Tại kỳ điều chỉnh chiều ngày 2/3, Liên Bộ Tài chính - Công thương quyết định giữ nguyên mức trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng dầu như hiện hành và tiếp tục tăng mạnh mức chi sử dụng Quỹ bình ổn với xăng E5RON92 từ 1.932 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; Xăng RON95 từ 1.171 đồng/lít lên 1.250 đồng/lít; Dầu diesel giữ ở 1.354 đồng/lít; Dầu hỏa ở 1.078 đồng/lít; Dầu mazut ở 1.699 đồng/kg.
Sau khi thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu như trên, giá các mặt hàng xăng dầu tăng từ 700-959 đồng/lít.
Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 939 đồng/lít lên mức không cao hơn 17.211 đồng/lít; Xăng RON95 tăng 946 đồng/lít lên 18.549 đồng/lít; Dầu diesel tăng 959 đồng/lít lên 15.868 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 700 đồng/lít lên 14.885 đồng/lít; Dầu mazut tăng 808 đồng/kg lên 14.083 đồng/kg.
Như vậy, sau 6 kỳ giảm giá liên tiếp và 3 phiên giữ nguyên giá trong năm 2019, giá xăng dầu đã phải tăng giá trong kỳ điều hành này do đà tăng chung của giá xăng dầu thế giới.
Mai Chi (tổng hợp)