1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

GS Nguyễn Kế Tuấn: "Ví các tập đoàn như quả đấm thép, đấm ai ở thời đại này?"

(Dân trí) - "Tôi rất dị ứng với việc ví các tập đoàn như "quả đấm thép"? Đấm ai trong thời đại này? Chúng ta có đủ sức đấm không?", GS Nguyễn Kế Tuấn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nêu trong buổi tọa đàm sáng nay.

Đây là khẳng định của GS-TS Nguyễn Kế Tuấn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tại Tọa đàm “Quan điểm, chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế bền vững, sáng tạo, bao trùm” do Hội đồng Lý luận trung ương tổ chức sáng nay (26/2).

Theo GS Tuấn, lâu nay vai trò của các tập đoàn kinh tế Nhà nước là vấn đề mang tính thời sự vì nắm giữ nhiều lĩnh vực then chốt. Nếu phát huy vai trò tích cực sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước. Nhưng, ngược lại nếu có trục trặc lại không chỉ ảnh hưởng đến chính nó mà còn cả toàn xã hội.

GS Nguyễn Kế Tuấn: Ví các tập đoàn như quả đấm thép, đấm ai ở thời đại này? - 1

GS, TS Nguyễn Kế Tuấn, Đại học Kinh tế Quốc dân

Ông Tuấn cho rằng, trong bối cảnh mới, hội nhập sâu rộng, hàng loạt FTAs thế hệ mới, xu thế Cách mạng 4.0… đã và đang đặt ra cơ hội to lớn, nhưng thách thức không hề nhỏ với Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bộ tiêu chí đánh giá kết quả, hiệu quả các doanh nghiệp Nhà nước.

"Tôi rất dị ứng cho các tập đoàn như "quả đấm thép"? Đấm ai trong thời đại này? Chúng ta có đủ sức đấm không?",GS Tuấn nói.

Bên cạnh những gam màu sáng của tập đoàn kinh tế Nhà nước như Viettel, thì đa số còn lại là gam màu xám; các tập đoàn Nhà nước vẫn nắm các ngành, lĩnh vực không phải như trọng yếu, then chốt như dệt may, hóa chất, cao su...

''Vấn đề quan trọng là nắm các ngành, lĩnh vực đó nhưng hiệu quả hoạt động thấp, không tương xứng với nguồn lực đầu tư; thua lỗ và nợ lớn, thất thoát, lãng phí tài sản...", ông Tuấn nói.

Ông này cho rằng, cần phải xem xét công bằng, cùng thể chế nhưng tại sao lại có tập đoàn hiệu quả, nhưng lại có tập đoàn khó khăn, lỗ, nợ lớn, cần phải đi sâu hơn, phải dấn thêm một bước nữa để làm rõ.

Ông Tuấn cho rằng, mục tiêu, kỳ vọng các tập đoàn đóng góp vai trò đầu tàu, động lực thúc đẩy phát triển các ngành, thành phần kinh tế khác còn thấp; các tập đoàn "xương sống"nhưng còn yếu thậm chí chúng còn tạo gánh nặng, mối lo cho xã hội.

Tham dự tọa đàm, GS- TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ quan điểm cần cả xã hội về nhận thức sớm về kinh tế tri thức và đào tạo nguồn lực tri thức cho thời đại mới.

GS Nguyễn Kế Tuấn: Ví các tập đoàn như quả đấm thép, đấm ai ở thời đại này? - 2

GS, TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

GS Doan nói: Sau 30 năm đổi mới, Nhà nước đã có thay đổi mạnh mẽ trong quan điểm về kinh tế tư nhân, đã công nhận kinh tế tư nhân là "bộ phận", "thành phần" rồi là "động lực quan trọng".

Theo bà Doan, thế giới đang chuyển mình ghê gớm từ cuộc Cách mạng Khoa học và Công nghệ sang Cách mạng tri thức, trí tuệ nhân tạo. Sự thay đổi nhanh chóng và không tưởng này đã khiến cho sự cạnh tranh giữa các quốc gia không phải khoáng sản, tài nguyên mà là trí tuệ.

"Nhân tài Việt đi ra nước ngoài nhiều hơn, đây là tổn thất. Thế giới hiện nay đã và đang diễn ra sự giành giật về trí tuệ. Nếu chúng ta không nhận thức sớm, bảo vệ và phát huy các tài nguyên trí tuệ thì chính doanh nghiệp của chúng ta sẽ tụt hậu", bà Doan nói.

Nguyên Phó Chủ tịch nước đề nghị: Các tổng công ty, tập đoàn phải nhận thấy Việt Nam quá nghèo nàn về tri thức nên đừng không trông chờ vào Chính phủ, hãy tập trung cho con người, công nghệ, văn hoá phi vật thể nhiều hơn.

"Tại sao chúng ta không thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tại sao chúng ta không có các tập đoàn xuyên quốc gia… đó là vì chúng ta nghèo về tri thức", bà Doan nói.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm