Tháo "nút thắt" cho tam nông - nhìn từ hành động quyết liệt xử lý nợ xấu của Agribank

(Dân trí) - Sau 01 năm quyết liệt triển khai Nghị quyết số 42, tỷ lệ nợ xấu của toàn Ngành Ngân hàng đã giảm xuống còn khoảng 2%; riêng Agribank kết quả thực hiện 8 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ này duy trì ở mức 1,98%, qua đó giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn, bền vững, khơi nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là “Tam nông”.

Theo các chuyên gia kinh tế, hai trong số tác động chính của Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) đến lĩnh vực ngân hàng và nền kinh tế nói chung đó chính là khơi thông nguồn vốn đưa vào đầu tư cho sản xuất, kinh doanh và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần nâng cao ý thức tuân thủ những thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay giữa bên vay và cho vay, tuân thủ quy định của pháp luật liên quan đến quan hệ tín dụng. Sau 01 năm quyết liệt triển khai Nghị quyết số 42, tỷ lệ nợ xấu của toàn Ngành Ngân hàng đã giảm xuống còn khoảng 2%; riêng Agribank kết quả thực hiện 8 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ này duy trì ở mức 1,98%, qua đó giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn, bền vững, khơi nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là “Tam nông”.

Tháo "nút thắt" cho tam nông - nhìn từ hành động quyết liệt xử lý nợ xấu của Agribank - 1

Xử lý nợ xấu gắn với tạo điều kiện khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh

Chưa đầy 01 tháng ngay sau ngày Quốc hội công bố Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, ngày 20/7/2017, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN và Kế hoạch hành động của toàn ngành về xử lý nợ xấu để triển khai Nghị quyết này. Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của NHNN, Agribank đã đưa ra Chương trình hành động với những giải pháp rất cụ thể, quyết liệt, đồng thời tổ chức Hội nghị toàn hệ thống để quán triệt tinh thần, nội dung chỉ đạo, cũng như triển khai những cơ chế để xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Sau khi tham dự hội nghị do Thống đốc NHNN tổ chức, Agribank đã tập trung triển khai trong toàn hệ thống: (i) Thành lập 02 Trung tâm xử lý nợ xấu tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam; (ii) Củng cố tăng cường năng lực hoạt động của Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank; (iii) Tổ chức rà soát, xây dựng, tập huấn quy chế thu giữ tài sản đảm bảo, giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo, bán nợ xấu cho VAMC theo giá thị trường; (iv) Agribank đã mạnh dạn, chủ động thực hiện tổng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các khoản nợ xấu đến thời điểm 15/8/2017;

Miễn, giảm lãi tồn đọng theo thời hạn trả nợ gốc để khuyến khích khách hàng tìm mọi nguồn thu trả nợ ngân hàng, đồng thời hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ban ngành, sự quyết tâm của Agribank, việc triển khai Nghị quyết 42 tại Agribank đã mang lại nhiều kết quả ngoài mong đợi: Cụ thể, từ ngày 15/8/2017 đến 31/7/2018, xử lý và thu hồi nợ xấu theo NQ42 là 57.922 tỷ đồng; Điều chỉnh giảm lãi suất cho 254.308 khách hàng có nợ đã XLRR, nợ bán cho VAMC tại 153 Chi nhánh; Phối hợp với VAMC đấu giá, bán nợ theo giá trị thị trường các khoản nợ; Tập trung mọi nguồn lực về tài chính, quyết liệt áp dụng các biện pháp thu hồi nợ sau xử lý rủi ro để tái tạo nguồn tài chính cho xử lý nợ…

Với mục tiêu được quán triệt ngay từ đầu gắn xử lý nợ xấu với việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, vì vậy, trong các phương án xử lý nợ của Agribank có cả phương án chấp nhận giảm lãi suất để góp phần hỗ trợ khách hàng trả nợ. Bên cạnh đó, Agribank phối hợp với VAMC và các đơn vị có liên quan triển khai một số chính sách động viên, khuyến khích khách hàng trả nợ ngân hàng.

Sớm nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc, khó khăn

So với pháp luật hiện hành, Nghị quyết 42 đã cho phép áp dụng nhiều chính sách mới về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán nợ xấu, góp phần xử lý nhanh nợ xấu của hệ thống các TCTD, tuy nhiên sau 01 năm triển khai Nghị quyết này đã xuất hiện một số vướng mắc cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Cụ thể như:

Công tác quản trị rủi ro tín dụng đã được nghiên cứu triển khai nhưng vẫn còn thiếu một số công cụ hỗ trợ quản lý rủi ro. Thông tư 13/2018/TT-NHNN của NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài mới được ban hành, cần có thời gian để triển khai thực hiện.

Các khách hàng sau xử lý hầu hết gặp khó khăn về tài chính, nguồn trả nợ chủ yếu từ việc phát mại TSBĐ, tuy nhiên quá trình xử lý TSBĐ lại gặp khó khăn, vướng mắc. Ví dụ như, nhiều trường hợp, gia đình chỉ có duy nhất một căn nhà đem thế chấp ngân hàng để lấy vốn làm ăn nhưng không may việc kinh doanh bị thua lỗ. Khi khách hàng thua lỗ, theo pháp luật căn nhà bị ngân hàng siết nợ. Lúc này, nếu quyết liệt thu giữ tài sản, ngân hàng sẽ bị lên án vì đẩy người dân vào cảnh không có nơi ở. Do vậy, rất khó để giải quyết những trường hợp này một cách hợp tình hợp lý.

Nghị quyết 42 tái lập quyền thu giữ TSBĐ của bên nhận TSBĐ. Mặc dù vậy, khi khách hàng không hợp tác thì các TCTD vẫn phải khởi kiện khách hàng ra TAND có thẩm quyền để được quyền xử lý TSBĐ thông qua thi hành án. Như vậy, TCTD chỉ thực hiện thu giữ TSBĐ thành công đối với một số trường hợp nhất định như: khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà TSBĐ không có tranh chấp; TSBĐ là đất trống… Điều này vô hình chung cũng hạn chế việc xử lý TSBĐ của TCTD. Bên cạnh đó, việc chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc nộp thuế khi xử lý TSBĐ cũng là một vướng mắc cần sớm được giải quyết.

Mặc dù đã có sự phối hợp giữa các bên liên quan, song để việc triển khai Nghị quyết 42 đạt hiệu quả hơn nữa, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt giữa các đơn vị liên quan, tránh tình trạng TCTD đơn độc trong xử lý nợ xấu.

Mặt khác, tại Việt Nam, việc triển khai mua bán nợ xấu của các TCTD chưa tạo lập được một thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp. Các nhà đầu tư có nhu cầu mua bán khoản nợ vẫn còn tâm lý e ngại nên hoạt động này chưa thật sự sôi động, chưa có nhiều thương vụ lớn, chủ yếu mới dừng lại ở việc bán nợ theo phương thức chuyển khoản nợ đã bán thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt sang bán nợ theo giá thị trường cho VAMC…

Với mục tiêu quyết liệt cùng ngành ngân hàng xử lý nợ xấu và ngăn ngừa nợ xấu quay lại thời gian tới, đặc biệt tập trung tối đa mọi nguồn lực để xử lý thu hồi nợ sau xử lý nhằm tăng năng lực tài chính trước khi Cổ phần hóa theo lộ trình vào năm 2019, Agribank xác định nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động này đó là tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt sử dụng đồng bộ các giải pháp để xử lý thu hồi nợ đảm bảo theo kế hoạch đã đề ra.

Agribank cũng như các TCTD khác mong muốn các Bộ, Ban Ngành liên quan bám sát Chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính phủ, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về một số nội dung như: Hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc nộp thuế khi xử lý TSBĐ của khách hàng trước khi thực hiện thu hồi nợ vay đúng theo tinh thần của Nghị quyết 42; hướng dẫn thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng TSBĐ; quy định rõ trách nhiệm thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ TSBĐ; Tập trung quyết liệt hơn nữa trong giải quyết dứt điểm các vụ việc đang thi hành án; Hướng dẫn chỉ đạo về việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết 42... Đồng thời, cùng ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị quyết 42, qua đó giúp người dân hiểu rõ hơn về xử lý nợ xấu, nhằm gia tăng hơn nữa ý thức trả nợ của khách hàng.

Với sự chỉ đạo tích cực từ NHNN cùng sự vào cuộc quyết liệt của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu của toàn Ngành NH đã giảm xuống còn 2,18%. Trong đó, nợ xấu xử lý qua VAMC đến 30/6/2018 đạt 310.517 tỷ đồng theo dư nợ gốc nội bảng, ước tính đạt trên 40% tổng nợ xấu được xử lý. VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi được gần 100 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2017, nhờ có sự ra đời của Nghị quyết số 42, VAMC đã thu được 30.852 tỷ đồng (gần bằng 2/3 tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó).

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2022 theo chỉ đạo của NHNN về thí điểm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14, nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý thu hồi nợ, Agribank xác định tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý, thu hồi nợ, linh hoạt áp dụng có hiệu quả các cơ chế về xử lý nợ tại Nghị quyết 42 như: miễn, giảm lãi, phí; thu giữ, xử lý TSBĐ; sử dụng dịch vụ xử lý nợ của AMC; bán khoản nợ đã bán cho VAMC theo giá trị trường… Việc phát mại TSBĐ được Agribank quán triệt phải thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Trong quá trình triển khai Nghị quyết 42, Agribank mong muốn tiếp tục nhận được sự sẻ chia, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành và các địa phương, đồng thời tin tưởng rằng, với sự nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống, mục tiêu giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn, bền vững, qua đó đẩy mạnh nguồn vốn ngân hàng hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước, nhất là đầu tư phát triển “Tam nông” sẽ đạt được như kỳ vọng.

Thái Anh