Tháo gỡ khó khăn mua USD

(Dân trí) - Với việc công bố hạn mức bán ngoại tệ mặt cho cá nhân có nhu cầu hợp pháp của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) và những động thái điều hành từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây, những khó khăn trong mua bán ngoại tệ của người dân đang dần được tháo gỡ.

Tháo gỡ khó khăn mua USD - 1
Những khó khăn trong mua bán ngoại tệ của người dân đang dần được tháo gỡ.
 
Trong Báo cáo số 20/BC-NHNN ngày 18/3 của NHNN trình Chính phủ và báo cáo với lãnh đạo các tỉnh, thành phố, đối với vấn đề quản lý ngoại tệ, có 3 vấn đề đáng chú ý: Thứ nhất, cho phép tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận tỷ giá giao dịch kỳ hạn 3 tháng đến 1 năm. Thứ hai, cho phép tổ chức tín dụng thu phí 2% so với tỷ giá chuyển khoản niêm yết khi bán ngoại tệ cho nhu cầu chính đáng của cá nhân, nhằm để ngân hàng bù đắp chi phí nhập khẩu, kiểm đếm lưu kho. Thứ ba, vẫn cho xuất khẩu vay ngoại tệ; đối tượng nhập khẩu nếu chứng minh có nguồn ngoại tệ tái tạo cũng được vay ngoại tệ.

 

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng sẽ ban hành quy định để cá nhân có thể mua, bán ngoại tệ tiền mặt và kiều hối với giá hợp lý, thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, góp phần thu hút ngoại tệ vào ngân hàng, thu hẹp và tiến tới xoá bỏ thị trường tự do.

 

Ở đây vấn đề được các cá nhân có nhu cầu mua ngoại tệ chú ý là việc NHNN đang cân nhắc cho phép tổ chức tín dụng thu phí 2% khi bán USD cho khách hàng cá nhân. Theo NHNN là để ngân hàng bù đắp chi phí nhập khẩu, kiểm đếm lưu kho.

 

Với định hướng này, nhiều ngân hàng thương mại tán thành, vì như vậy tạo điều kiện cho ngân hàng có thể bán ngoại tệ cho người dân được dễ dàng hơn.

 

Ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm Vàng Á Châu cho biết: “Với USD thì chúng ta không in được mà phải nhập khẩu USD mặt từ nước ngoài về. Thường là Singapore. Nhập khẩu tiền mặt về thì phải trả phí. Cứ 1 USD chuyển khoản, thì nhận được hơn 0,9 USD tiền mặt. Bên cạnh đó, khi sử dụng tiền mặt tốn nhiều chi phí. Ví dụ ngân hàng phải có kiểm ngân, chi phí để duy trì tiền mặt tại quỹ…”.

 

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc NHTMCP Đông Á, để có ngoại tệ bán cho người có nhu cầu chính đáng, ngân hàng phải dự trữ ngoại tệ dẫn đến phát sinh chi phí.

 

Theo ông Bình, đồng tiền mặt nằm trong ngân hàng không sinh lời. Vì nhu cầu phục vụ tiền mặt cho khách hàng nên ngân hàng phải dự trữ lượng tiền mặt, do đó, ngân hàng cần thu phí mua bán ngoại tệ. Nếu ngân hàng được phép bán ngoại tệ có thu phí sẽ bảo đảm kinh doanh không thua lỗ, đồng thời  tỉ giá ngoại tệ uyển chuyển hơn.

 

Trên thực tế, sau khi các cơ quan chức năng kiểm soát gắt gao giao dịch ngoại tệ trên thị trường tự do và xử lý mạnh tay các hoạt động mua bán ngoại tệ bất hợp pháp, thị trường ngoại tệ tự do gần như đóng băng. Người dân có thói quen mua USD trên thị trường này cũng gặp khó khăn, và khi gõ cửa nhà băng, họ cũng không dễ gì mua được. Nhiều ngân hàng thừa nhận không phải lúc nào cũng dư dả ngoại tệ để bán cho khách hàng cá nhân có nhu cầu chính đáng, nhất là trong điều kiện cá nhân bán ngoại tệ cho nhà băng vẫn rất nhỏ giọt, chưa kể mỗi cá nhân thường đăng ký mua tối đa đến 7.000 USD, và không chọn loại ngoại tệ khác ngoài USD.

 

Ông Bùi Tấn Tài, Phó Tổng giám đốc ngân hàng ACB cũng giải thích: “Người dân đến mua ngoại tệ mà nhu cầu đúng theo quy định và ngân hàng có nguồn cung thì ngân hàng bán. Tuy nhiên, tại thời điểm này lượng ngoại tệ ở ngân hàng cũng không dư dả. Có nguồn thì ngân hàng bán lại do doanh nghiệp là chính, vì đây là những đối tượng luôn cần ngoại tệ. Còn nhu cầu từ cá nhân thì ít hơn nhiều”.

 

Để giải quyết khó khăn này, phía DongABank ngày 21/3 đã công bố hạn mức bán ngoại tệ mặt cho cá nhân có nhu cầu hợp pháp theo nguyên tắc: DongABank bán ngoại tệ mặt của nước đến (không nhất thiết  phải là USD), trường hợp DongABank không có ngoại tệ của nước đến thì sẽ xem xét bán EUR. Người mua phải thông báo nhu cầu mua ngoại tệ cho NH trước 7 ngày.

 

Ngoài ra, DongABank còn quy định hạn mức ngoại tệ sẽ bán. Chẳng hạn đối với cá nhân mua ngoại tệ cho mục đích du lịch, thăm viếng, đi công tác… dưới 7 ngày, số ngoại tệ bán tương đương 300 USD/người; nếu đi trên 7 ngày thì tương đương 600 USD/người. Đối với mục đích khám chữa bệnh, thời gian lưu trú dưới 7 ngày: tương đương 600 USD/người; trên 7 ngày: tương đương 1.000 USD/người. Riêng đối với du học sinh có nhu cầu ngoại tệ trả các phí sinh hoạt khi đi du học ở nước ngoài, DongABank sẽ bán từ 100 - 7.000 USD/người/năm. Quy định này áp dụng từ ngày 23/3.

 

Khi khách hàng có nhu cầu mua ngoại tệ nhiều hơn hạn mức nêu trên, ngân hàng sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để đáp ứng cao nhất yêu cầu của khách hàng.

 

Đồng thời ngân hàng này cũng khuyến khích khách hàng mở thẻ tín dụng (loại sử dụng ngắn hạn), có ký quỹ VND để thanh toán các chi phí khi ở nước ngoài. Việc mở thẻ thanh toán quốc tế cũng được NHNN khuyến khích trong văn bản 2033/NHNN-QLNH ngày 12/3 yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường hoạt động mở thẻ thanh toán quốc tế để tạo điều kiện cho các cá nhân sử dụng thẻ thanh toán quốc tế khi có nhu cầu chi tiêu ở nước ngoài.

 

Kim Chi