Tháo chạy khỏi sàn: Doanh nghiệp cù nhầy để bị đuổi
Thua lỗ muốn trốn tránh hoặc các cổ đông lớn có âm mưu thâu tóm, một số doanh nghiệp dường như đang lợi dụng sự lỏng lẻo trong các quy định công bố thông tin để trốn tránh nghĩa vụ, thậm chí dễ dàng rời sàn chứng khoán hơn.
Cố tình sai phạm
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) hồi cuối tháng 9/2012 vừa ra thông báo về việc hủy niêm yết cổ phiếu SME của Công ty Cổ phần Chứng khoán SME.
Theo đó, 22,5 triệu cổ phiếu của SME chính thức bị hủy niêm yết trên HNX, với giá trị cổ phiếu hủy niêm yết theo mệnh giá là 225 tỷ đồng. Ngày hủy niêm yết là 26/10/2012.
Nguyên nhân mà HNX đưa ra là do SME vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin của tổ chức niêm yết.
SME là trường hợp công ty niêm yết và cũng là công ty chứng khoán (CTCK) thành viên của hai sàn liên tục vi phạm các quy định trên thị trường chứng khoán (TTCK). Doanh nghiệp này đã bị đình chỉ hoạt động giao dịch nhiều lần. SME đã liên tục không công bố thông tin tới cơ quan quản lý thị trường cũng như các cổ đông trong một thời gian dài.
Sau những sai phạm trong kinh doanh và những vi phạm công bố thông tin, các hoạt động của SME gần như đã ngừng hẳn và cơ thể ốm yếu này dường như chỉ còn thoi thóp chờ ngày chết.
Gần đây nhất, ngày 5/9, cả hai sở đã có quyết định cuối cùng về việc chấm dứt tư cách thành viên đối với SME trên cả thị trường niêm yết và thị trường Upcom kể từ ngày 7/9, chính thức cắt đứt mọi quan hệ với công ty này. Theo một số thông tin thì hoạt động duy nhất của SME (đã rút nghiệp vụ môi giới từ 3/8) lúc này chỉ là chuyển nốt tài khoản khách hàng sang cho sang CTCK Đại Nam (DNSE) và CTCK Phú Gia (PGSC).
Hồi đầu tháng 8, ông Phan Huy Chí, Chủ tịch Hội đồng quản trị SME, và ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT, bị bắt tạm giam do bị nghi liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 2/8, cơ quan an ninh điều tra đã tiến hành bắt tạm giam chủ tịch và phó chủ tịch công ty để điều tra hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết với Công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí.
Hai trường hợp bị hủy niêm yết với lý do tương tự là CTCP Sông Đà 3 (SD3) và Công ty cổ phần Cavico Việt Nam Khai thác mỏ và Xây dựng (MCV). Đây là những doanh nghiệp mà theo cơ quan chức năng: đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin của tổ chức niêm yết.
Theo phán quyết, SD3 sẽ bị hủy niêm yết gần 16 triệu cổ phiếu từ 26/10. Trong khi đó, MCV đã bị hủy niêm yết từ 11/5. SD3 và MCV đều là những công ty làm ăn thua lỗ gần đây nhưng chưa đến mức không đủ điều kiện để được "ở lại sàn". Lý do chính là cả hai doanh nghiệp này đã không tôn trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
Riêng trường hợp MCV, doanh nghiệp này đã trở thành một hiện tượng trơ lỳ, coi thường các quy định của TTCK một cách nghiêm trọng. Doanh nghiệp này đã liên tục bị HOSE nhắc nhở về việc không công bố báo cáo tài chính quý IV/2011 và Báo cáo tài chính kiểm toán 2011, thậm chí bị đưa vào diện tạm ngừng giao dịch trong một thời gian dài.
Trước đó, một trường hợp bị hủy niêm yết cũng khá nổi tiếng là Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp - Descon (DCC).
Theo quyết định của HOSE, 10,3 triệu cổ phiếu DCC bị hủy niêm yết từ ngày 15/12/2011 do Descon đã vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin.
Điều đáng nói là DCC là một trong các doanh nghiệp có hoạt động khá tốt trên TTCK Việt Nam. Doanh nghiệp này trước đó đã được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ vào top 5 doanh nghiệp xây dựng công nghiệp hàng đầu Việt Nam.
DCC cũng là trường hợp đầu tiên khiến giới đầu tư và các cơ quan quản lý lo ngại về tình trạng cố tình "tránh ánh sáng của TTCK".
Descon đã thực sự gây sự chú ý của dư luận khi mà một số thành viên HĐQT cũ bị phế truất trong phiên họp ĐHCĐ bất thường được dẫn dắt bởi những người mới được bầu. Khi mà công cuộc đổi mới tại DCC đã có một vài tín hiệu tốt đẹp sau sự kiện nói trên thì các nhà đầu tư nhỏ lại bị ngã ngửa vì doanh nghiệp này liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin và có thông tin về khả năng bị loại ra khỏi sàn.
Những thông tin về tình hình và hoạt động của DCC thưa dần, thay vào đó là những thông tin như bị đưa vào diện cảnh báo (ngày 31/8/2011), cảnh cáo toàn thị trường (12/9), tạm ngừng giao dịch (14/9), HĐQT quyết định hủy niêm yết (12/10) và đỉnh điểm là việc bị HOSE buộc phải rời sàn từ ngày 15/12 vì lỗi vi phạm nghiêm trọng trong công tác công bố thông tin.
Trước khi nhận "hình phạt" của HOSE, DCC đã công khai ý định huỷ niêm yết của mình. Điều đó khiến nhiều người nghi vấn: doanh nghiệp này cố tình vi phạm công bố thông tin do muốn ẩn mình nhưng không có cơ chế hủy niêm yết tự nguyện?
Minh bạch thông tin và quyền lợi cổ đông nhỏ
Trong thời điểm TTCK ồn ào về hiện tượng Descon bị buộc phải rời sàn, đại diện HOSE cho báo chí biết, Sở biết rất rõ tình hình tại DCC và rất băn khoăn, nhưng về nguyên tắc, vẫn buộc phải ra quyết định (hủy niêm yết) theo quy định.
Theo đó, DCC là công ty đại chúng nên dù đã rời sàn thì doanh nghiệp vẫn phải lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) và vẫn buộc phải đăng ký giao dịch trên sàn Upcom. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý sẽ đốc thúc Descon thực hiện điều này để bảo vệ quyền của các cổ đông nhỏ.
Tuy nhiên, trên thực tế việc tìm kiếm thông tin về DCC từ khi hủy niêm yết tới nay khá khó khăn. Về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2012, tất nhiên là không tìm thấy trên website của Descon, trên các trang web của cơ quan chức năng cũng như các trang tài chính chuyên ngành. Mã chứng khoán DCC cũng không còn được tìm thấy trên sàn giao dịch Upcom.
Tất cả những gì mà các nhà đầu tư biết đến, dường như chỉ qua báo chí với các thông tin về những sóng gió mới tại doanh nghiệp này, với sự ra đi của từng người trong ban lãnh đạo, những lần đại hội cổ đông bất thành...
Có thể thấy, sự đấu tranh trong nội bộ DCC trong gần 2 năm vừa qua chủ yếu diễn ra giữa các cổ đông lớn và các cổ đông nhỏ gần như không có tiếng nói gì. Điều này cũng là tất yếu trong các công ty cổ phần. Tuy nhiên, sự nhập nhèm trong công bố thông tin hẳn là vấn đề mà nhiều người quan tâm.
Dường như các quy định hiện hành chưa đủ mạnh để bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ trong việc tiếp cận tốt nhất với thông tin hoạt động của doanh nghiệp. Một khi cổ phiếu rời sàn, người thiệt hại nhiều nhất có lẽ vẫn là các nhà đầu tư nhỏ. Với họ, có lẽ bán tháo cổ phiếu ở mức giá thấp là giải pháp, thay vì nắm giữ rồi mất thanh khoản và sống trong tình trạng mù mờ về doanh nghiệp.
Trường hợp SME và MCV cũng vậy, các cổ phiếu này đã có nhiều chuỗi ngày giảm sàn liên tục khi mà doanh nghiệp nhận tin xấu. Trên các diễn đàn chứng khoán khi đó, giới đầu tư chỉ biết chia sẻ với nhau kinh nghiệm cắt lỗ để tránh rơi vào tình trạng "ôm giấy vụn" giống như trường hợp rơi xuống vực thẳm của Dược Viễn Đông hay mất tích của Bông Bạch Tuyết.
Theo các cơ quan chức năng, số lượng cổ phiếu bị hủy niêm yết trong 6 tháng đầu năm tăng lên trong khi lượng doanh nghiệp đăng ký mới lại giảm đi so với nhiều năm trước. Thực trạng này cho thấy nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng ẩn mình và không còn thực sự mặn mà với TTCK. Nhiều cổ phiếu sau khi hủy niêm yết cũng không muốn chuyển sang giao dịch trên sàn Upcom, trong khi cổ phiếu vẫn lưu ký tại VSD. Điều này khiến các cổ đông muốn mua bán cổ phiếu cũng hết sức khó khăn.
Theo Mạnh Hà
VEF