1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thanh tra toàn diện ngân hàng “cố tình che giấu nợ xấu”

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nếu các tổ chức tín dụng cố tình che giấu nợ xấu, không chịu bán nợ xấu sẽ bị Ngân hàng Nhà nước thanh tra toàn diện.

5 Bộ ngành chủ lực sẽ cùng nhau xử lý nợ xấu (ảnh minh họa).
5 Bộ ngành chủ lực sẽ cùng nhau xử lý nợ xấu (ảnh minh họa).

Theo Đề án xử lý nợ xấu của Hệ thống các tổ chức tín dụng do Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, Thủ tướng giao 5 Bộ, ngành chủ lực và các cơ quan liên quan cùng bắt tay vào xử lý nợ xấu. 5 thành phần chủ lực đó là: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thủ tướng giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, các cơ quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, thành lập và phê duyệt điều lệ Công ty Quản lý tài sản (VAMC).

Trong đó, các tổ chức tín dụng cố tình che giấu nợ xấu, không thực hiện nghiêm túc các giải pháp xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước được thực hiện một số giải pháp như: Tiến hành thanh tra toàn diện, yêu cầu kiểm toán bắt buộc theo các nội dung do NHNN yêu cầu. Hạn chế việc mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động; hạn chế, đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng; hạn chế chia cổ tức, chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng tài sản.

Ngoài ra, NHNN được áp dụng một hoặc một số tỷ lệ an toàn cao hơn quy định; yêu cầu tăng vốn điều lệ để đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an toàn; quyết định giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống.

Riêng các tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các đơn vị này phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, NHNN về xử lý nợ xấu. Các tổ chức tín dụng phải xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng; Chủ động triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiềm chế nợ xấu gia tăng.

Theo Đề án xử lý nợ xấu của Chính phủ, các tổ chức tín dụng sẽ phải chủ động thực hiện 10 biện pháp xử lý nợ xấu như: Đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có giải pháp thích hợp; Tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; Tiếp tục cơ cấu lại nợ, xem xét miễn, giảm lãi suất một cách hợp lý cho khách hàng có triển vọng tốt sau cơ cấu lại nợ; Hoán đổi nợ thành vốn…

Với Bộ Tài chính, Thủ tướng giao nhiệm vụ xây dựng các chính sách miễn, giảm thuế liên quan đến mua, bán tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo nội dung đề án, Bộ Tài chính phối hợp NHNN và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2013 cơ chế và phương án xử lý nợ xấu của Ngân hàng phát triển Việt Nam, nợ xấu cho vay đối tượng chính sách, nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước. Bộ Tài chính cũng phải xây dựng phương án phát hành công cụ nợ của Chính phủ để xử lý nợ xấu của các đối tượng trên.

Cũng trong năm nay, Bộ Tài chính phải phối hợp cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ phương án xử lý nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) theo Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tập là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015.

Về tránh nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ này cần rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về quản lý đô thị, đầu tư xây dựng, thị trường bất động sản để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, VAMC để xử ly nhanh nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ biện pháp đẩy mạnh đầu tư và chi tiêu công để phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Đồng thời, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, bổ sung, sửa đổi Luật Doanh nghiệp, tạo điều kiện xử lý nhanh nợ xấu.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan ban hành trong năm 2013 Thông tư liên tịch về xử lý tài sản đảm bảo để tạo điều kiện xử lý nhanh nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Nguyễn Hiền