1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thanh toán qua các thiết bị đeo là gì, rủi ro ra sao?

Lê Duy Diện - Chuyên gia fintech

(Dân trí) - Thanh toán bằng các thiết bị đeo đang dần trở nên phổ biến tại Việt Nam. Theo Juniper Research, các khoản thanh toán trên thiết bị đeo dự kiến sẽ đạt 501,1 tỷ USD vào năm 2024.

Tại Việt Nam, chưa có dự báo về thanh toán qua thiết bị đeo về thị trường nhưng việc thanh toán qua thiết bị đeo thời gian tới có thể sẽ tăng trưởng mạnh trong bối cảnh thanh toán không tiền mặt, không tiếp xúc ngày càng được khuyến khích, phổ biến và có lợi thế phát triển khi khách hàng dễ chấp nhận cùng với sự phát triển của di động và internet.

Một số dịch vụ thanh toán qua thiết bị đeo này nổi bật thời gian qua như Apple Pay (kết hợp với 6 ngân hàng tại Việt Nam) cung cấp cho khách hàng hình thức thanh toán qua các thiết bị của hãng, bao gồm cả thanh toán trên Apple Watch. Trước đó, Samsung Pay cũng kết nối để thanh toán trên Galaxy Watch. Gần đây nhất, Garmin Pay cũng đã thâm nhập thị trường thanh toán này.

Thanh toán qua thiết bị đeo là gì?

Thanh toán qua thiết bị đeo là hình thức khách hàng sử dụng phương thức thanh toán tiếp xúc gần qua thiết bị đeo như đồng hồ, vòng đeo tay, nhẫn, kính mắt, vòng cổ, móc chìa khóa…

Thanh toán qua các thiết bị đeo là gì, rủi ro ra sao? - 1

Công ty đồng hồ Thụy Sĩ Win tích hợp các chip bảo mật siêu nhỏ đến mức gần như không thể nhìn thấy từ vào đồng hồ (Ảnh: Winwatch).

Để thanh toán được, người dùng cần đưa thiết bị đeo đến gần biểu tượng thanh toán không tiếp xúc trên thiết bị đọc thẻ và trong khoảng cách thông thường từ 2,5cm đến 5cm. Nếu người dùng đứng cách xa hoặc thiết bị đeo cách xa, các thiết bị sẽ không thể đọc được tín hiệu để thực hiện giao dịch.

Thanh toán trên thiết bị đeo nhanh, vì giao dịch được hoàn tất chỉ bằng một cú chạm cổ tay, nhẫn, móc chìa khóa, kính…, loại bỏ nhu cầu tìm kiếm tiền mặt hoặc tìm thẻ để thực hiện giao dịch. Điều này giúp tiết kiệm thời gian cho cả người dùng, điểm bán, điểm chấp nhận thanh toán, tăng tốc độ xếp hàng thanh toán xử lý quá trình bán hàng - thu tiền.

Tuy nhiên, thanh toán qua thiết bị đeo được xem là phần mở rộng các phương thức thanh toán, bởi vì các thiết bị này chỉ là phần cộng thêm, một tiện ích thêm, vì cuối cùng vẫn phải kết nối với thông tin gốc của thẻ hay tài khoản ngân hàng rồi mới thực hiện được thanh toán thông qua một thiết bị thông minh hay gọi là chip.

Trong phương thức thanh toán qua thiết bị đeo này, chip tích hợp sẽ đóng vai trò trung tâm, với kích thước nhỏ, chỉ vài milimet vuông nhưng có tác dụng khởi động và kiểm soát tất cả giao tiếp giữa người sử dụng và ngân hàng hay tổ chức phát hành thẻ, tài khoản, phương tiện thanh toán… thông qua một ăng-ten nhỏ (ăng-ten này cũng có sẵn trong đồng hồ thông minh).

Thông thường chỉ cần đến 200 mili giây (như một cái nháy mắt), chip có chứa thông tin về dữ liệu gốc thẻ hay tài khoản để xác minh và điều hướng, tạo nên một mật mã bao gồm dữ liệu thẻ hoặc tài khoản, số tiền thanh toán và địa điểm thanh toán… Chip trên những thiết bị đeo này sử dụng trường năng lượng từ đầu đọc để tính toán, mã hóa và truyền tải dữ liệu.

Sau khi xác minh thành công, ngân hàng hoặc tổ chức thanh toán sẽ xác nhận khoản thanh toán với đầu đọc để hoàn tất giao dịch và thông báo cho các bên tham gia hoàn tất quá trình giao dịch này nhanh chóng.

Thanh toán qua các thiết bị đeo là gì, rủi ro ra sao? - 2

Ví dụ về thanh toán bằng các thiết bị đeo (Ảnh: NFCW).

Rủi ro của thanh toán trên thiết bị đeo ra sao?

Rủi ro bảo mật: Một trong những rủi ro lớn nhất của thanh toán bằng thiết bị đeo là khả năng xác thực giao dịch. Các thiết bị đeo thường ít có tính năng xác thực sinh trắc học, quét dấu vân tay hoặc nhận dạng khuôn mặt, có thể dễ bị hack, truy cập vào thông tin cá nhân và dữ liệu thanh toán để trộm hoặc thực hiện các giao dịch gian lận.

Rủi ro mất hoặc bị trộm cắp: Thiết bị đeo cũng có nguy cơ bị mất hoặc bị đánh cắp vì kích thước nhỏ, dễ bị thất lạc. Khi người khác sở hữu được những thiết bị đeo này có thể dễ dàng thực hiện giao dịch thanh toán làm cho khách hàng sử dụng mất tiền trong thẻ hoặc tài khoản.

Một số thiết bị đeo có tính năng bảo mật và có thể khóa hoặc hủy liên kết dữ liệu từ xa thông qua các ứng dụng trên điện thoại, tuy nhiên không phải lúc nào quy trình xử lý này cũng hiệu quả.

Trục trặc kỹ thuật: Có thể có trục trặc kỹ thuật hoặc không thể kết nối, không có sóng kết nối internet làm cho các giao dịch thanh toán không thành công hoặc được xử lý không chính xác.

Điều này sẽ dẫn đến khiếu nại hoặc xác minh rất mất thời gian của khách hàng, gây bất tiện cho người sử dụng cũng như bên chấp nhận thanh toán. Ngoài ra, không phải tất cả thiết bị đeo đều tương thích với tất cả hệ thống thanh toán cũng là điểm giới hạn của phương thức thanh toán này.

Điểm chấp nhận thanh toán chưa phổ biến: Tại Việt Nam, các điểm chấp nhận thanh toán không tiếp xúc, tiếp xúc gần bằng thiết bị đeo đang trở nên phổ biến hơn, nhưng không phải tất cả điểm bán đều chấp nhận hình thức thanh toán này. Đồng thời, ra nước ngoài để thực hiện thanh toán cũng có những hạn chế nhất định.

Điều này gây thêm khó khăn cho người tiêu dùng khi chỉ dựa vào thanh toán bằng thiết bị đeo, đặc biệt là trong tình huống mà tiền mặt, thẻ hoặc phương thức thanh toán truyền thống là tiêu chuẩn.