1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhà đầu tư Trung Quốc: Cảng “bẫy nợ” tại Sri Lanka đang phát triển mạnh mẽ

(Dân trí) - Cảng Hambantota của Sri Lanka trị giá 1,5 tỷ USD, được xây dựng bằng vốn Trung Quốc, đây được xem như một biểu tượng cho các mục tiêu bành trướng của Bắc Kinh. Nhà đầu tư Trung Quốc đã tuyên bố rằng hoạt động kinh doanh diễn ra tại cảng này đang phát triển mạnh mẽ.

Sự phụ thuộc của Sri Lanka vào Trung Quốc ngày càng tăng. Bằng chứng là Hambantota - nơi có một cảng biển trị giá 1,5 tỷ USD, được xây dựng bằng các khoản vay của Trung Quốc nằm dọc theo bờ biển phía nam Ấn Độ Dương. Đã có những lời chỉ trích mạnh mẽ rằng nơi đây sẽ trở thành một thuộc địa của Trung Quốc.

Ren - Giám đốc điều hành của Tập đoàn cảng quốc tế Hambantota nói với Nikkei Asian Review: “Đây không phải là một cảng biển chỉ chào đón các nhà đầu tư Trung Quốc. Chúng tôi muốn biến nơi đây trở thành một phần sự phát triển của đất nước trong dài hạn, đó là lý do tại sao chúng tôi đã đầu tư hàng tỷ USD vào Sri Lanka. Chúng tôi không xem xét việc kinh doanh trong ngắn hạn”.

Nhà đầu tư Trung Quốc: Cảng “bẫy nợ” tại Sri Lanka đang phát triển mạnh mẽ - 1

Cảng Hambantota, Sri Lanka

Một quan hệ đối tác công-tư giữa Tập đoàn Cảng thương gia Trung Quốc và Cảng vụ Sri Lanka - từ lâu đã trở thành một cột thu lôi trong vấn đề địa chính trị, khi Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đang cố gắng tranh giành ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương.

Vào tháng 12/2017, Tập đoàn Cảng thương gia Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với Chính phủ Sri Lanka. Khi đó, Chính phủ nước này đang ngập trong nợ nước ngoài và thỏa thuận “hứa hẹn” sẽ bơm 1,1 tỷ USD để đổi lấy 85% cổ phần và hợp đồng thuê 99 năm với cảng biển Hambantota.

Các nhà phê bình phương Tây, trong đó có Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence - đã coi đó là chính sách “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc, tức là dùng khoản vay cho các quốc gia nghèo hơn làm đòn bẩy để đạt được lợi thế chiến lược. Tuy nhiên, trước khi được “giải cứu”, Cảng Hambantota gặp khó khăn như thế nào thì không ai nhắc tới.

Mahinda Rajapaksa - Cựu Tổng thống Sri Lanka từ năm 2005 đến 2015 - đã hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc vào nơi đây, trong khi đó các đối thủ của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2015 đã “dán nhãn” cảng này. Họ cho rằng, cùng với “Thành phố cảng” trị giá 1,4 tỷ USD được xây dựng trên vùng đất khai hoang bên bờ biển thành phố Colombo, là những “dự án phù phiếm” và rằng chúng không thể thực hiện được.

Khi liên minh đối lập lên nắm quyền, họ phải làm dịu lập trường của họ đối với Trung Quốc, bởi họ có ít lựa chọn. Thu nhập ngoại hối của Sri Lanka từ xuất khẩu không đủ để đáp ứng các nghĩa vụ nợ quốc tế.

Theo Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, dự trữ ngoại hối của nước này là 8,34 tỷ USD tính tới tháng 7 vừa qua và ngày càng bị nới rộng, Chính phủ sẽ phải tìm kiếm 17 tỷ USD để thanh toán các khoản vay và nợ nước ngoài đáo hạn từ năm 2019 đến 2023. Trong đó, người cho vay Trung Quốc chiếm 10% trong số 55 tỷ USD ước tính nợ nước ngoài của quốc gia này.

Một nguồn tin ngoại giao cho rằng, nguồn lực kinh tế của Trung Quốc tại Sri Lanka đã khiến Washington, New Delhi và Tokyo lo lắng. Việc đầu tư vào cảng Hambantota đã đem lại nhiều kết quả. Trước thỏa thuận, cảng đã thường xuyên chịu thua lỗ và phải “vật lộn” để thu hút tàu, mặc dù vị trí chiến lược của nó nằm ở rìa của một trong những tuyến đường vận chuyển bận rộn nhất thế giới.

Hiện tại, 36.000 tàu đang di chuyển miệt mài trên tuyến đường cách bờ biển Sri Lanka 6 hải lý về phía Nam. Trước khi người Trung Quốc tiếp quản cảng vào năm 2017, chỉ có 175 tàu chở hàng chấp nhận thả neo. Vào cuối năm 2018, nhà khai thác cảng mới cho biết 300 tàu đã gọi, góp phần tăng trưởng 60% số lượng tàu được vận chuyển qua Hambantota đến châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ.

Nippon Yusen (một tập đoàn vận chuyển của Nhật Bản) đã ký một thỏa thuận vào giữa tháng 10 với Tập đoàn Cảng thương gia Trung Quốc để nâng cấp các dịch vụ của cảng phục vụ cho việc trung chuyển xe ô tô, hiện là hoạt động vận chuyển chính.

Thỏa thuận nói trên tuân theo các thỏa thuận được ký kết vào đầu năm nay đối với hàng hóa trung chuyển với Hyundai Glovis - một công ty vận chuyển của Hàn Quốc và Hoegh Autoliners, một hãng vận tải ô tô của Na Uy.

Tháng 4 vừa qua, tập đoàn dầu khí khổng lồ Trung Quốc China Petroleum & Chemical Corp, thường được gọi là Sinopec, đã trả giá cao hơn 20 đối thủ để giành chiến thắng trong cuộc đấu thầu - tiếp nhiên liệu cho tàu ra khỏi cảng Hambantota.

Nhà điều hành cảng nói rằng họ hy vọng phạm vi hoạt động toàn cầu của Sinopec sẽ cho phép cảng Hambantota trở thành một trung tâm khai thác cho Nam Á, đưa cảng này vào bản đồ vận chuyển toàn cầu.

“Các tàu khoan và chế biến xăng dầu đã được chúng tôi đưa vào Sri Lanka lần đầu tiên” - Ren nói và cho biết các công ty Trung Quốc đang tìm kiếm thêm các quốc gia đầu tư vào khu vực, Sri Lanka sẽ cạnh tranh với các nước trong khu vực để thu hút đầu tư nước ngoài vào Hambantota.

Thùy Dung

Theo Nikkei

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm