1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thanh long Trung Quốc giành thị trường xuất khẩu

Gần 80% thanh long Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng nước này lại đang có chính sách mở rộng phát triển loại trái cây này.

Mới đây, PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri), cho biết Trung Quốc đang có chính sách khuyến khích người dân phát triển trồng thanh long trên diện tích lớn. Cụ thể là ở hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, phía Nam Trung Quốc. Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành xuất khẩu thanh long của Việt Nam những năm tới vì Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam về loại trái cây này.

 

Nguy cơ nối tiếp nỗi lo

 

Tìm hiểu sâu hơn vấn đề mới biết không phải bây giờ Trung Quốc mới trồng thanh long. Theo ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, họ đã trồng được vài năm ở đảo Hải Nam nhưng giờ mới bắt đầu phát triển rộng.

 

“Không chỉ Trung Quốc, một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan cũng trồng thanh long với diện tích lớn từ nhiều năm nay. Và Trung Quốc mà trồng nhiều thì chắc chắn ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thanh long Việt Nam. Dẫn chứng cụ thể là khi giống cây có nguồn gốc Nam Mỹ này nhập vào châu Á, chỉ có Việt Nam trồng được nhiều nhất vì khí hậu thích hợp. Nhờ vậy, Việt Nam xuất khẩu thanh long hầu như không có đối thủ. Nhưng khi Thái Lan cũng trồng thì thị trường bị chia sẻ, sản lượng xuất khẩu không tăng mạnh như các năm trước đó” - ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), nhận định.

 

Nông dân thu hoạch thanh long tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang).
Nông dân thu hoạch thanh long tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang).

 

Theo số liệu do ông Kỳ cung cấp, hằng năm Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thanh long chính của Việt Nam với gần 80% thị phần. Việc Trung Quốc trồng nhiều thanh long có thể nhằm mục đích chính là cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, giảm nhập khẩu. Điều này dẫn đến sản lượng thanh long Việt Nam xuất sang giảm, kéo theo giá trị xuất khẩu giảm.

 

Đại diện một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trái cây ở Tiền Giang cho rằng còn nhiều mối lo khác nữa. Có thể DN Trung Quốc trồng với công nghệ kỹ thuật cao, rút ngắn thời gian thu hoạch, trái đẹp, giá thành thấp rồi xuất lại cho Việt Nam không chừng. Tính đoạn đường vận chuyển thì rõ ràng, khoảng cách từ các tỉnh phía Nam Trung Quốc đến miền Bắc Việt Nam ngắn hơn so với từ Bình Thuận, nơi trồng nhiều thanh long nhất Việt Nam, chuyển ra.

 

“Ở đảo Hải Nam, cây trồng gì có ở Việt Nam thì bên đó đều có. Trung Quốc trồng thử nghiệm tại đó rồi bắt đầu nhân rộng sản xuất ra các tỉnh phía Nam với số lượng lớn. Điển hình là vụ trái cam, trái quýt, khoai tây… Trung Quốc đã “hạ đo ván” trái cây Việt ngay trên sân nhà khiến nông dân mất mùa, rớt giá” - vị giám đốc DN này lo ngại.

 

Bên cạnh đó là khả năng bị “ăn cắp” thương hiệu thanh long nổi tiếng như Bình Thuận, Chợ Gạo (Tiền Giang), Châu Thành (Long An). Trồng nhiều thì xuất khẩu là bình thường, vấn đề là họ có thể cạnh tranh với thanh long nhập từ Việt Nam ngay tại nội địa bằng cách nhái, giả, lấy luôn thương hiệu thanh long của DN Việt.

 

Đầu tư công nghệ để tăng cạnh tranh

 

PGS-TS Nguyễn Minh Châu cho rằng để giải quyết những nỗi lo trên, Việt Nam cần mở rộng diện tích trồng thanh long ở các tỉnh có điều kiện thích hợp, đồng thời mở rộng thị trường và tìm thị trường mới, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào mỗi Trung Quốc. Chẳng hạn, đối với các thị trường Mỹ, Nhật, Indonesia, Canada, Singapore thì tăng sức tiêu thụ, đối với thị trường ít tiêu thụ như châu Âu, châu Phi thì mở rộng.

 

Tuy nhiên, ông Bùi Đăng Hưng, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, cho biết mặc dù diện tích trồng thanh long toàn tỉnh hơn 19.000 ha, lớn nhất cả nước nhưng DN không muốn phát triển thêm vì đầu ra chưa đảm bảo. “Cái cần làm là tăng diện tích thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP về thực hành nông nghiệp tốt. Hiện Bình Thuận có 7.000 ha thanh long đạt tiêu chuẩn trên. Bên cạnh đó là việc hoàn thành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý về các loại trái cây Việt Nam ở thị trường nhập khẩu. Khi đó, dù có nhiều nước cùng trồng thì khả năng cạnh tranh của thanh long Việt Nam vẫn tốt.

 

Trao đổi thêm, ông Nguyễn Văn Kỳ (Vinafruit) nói chỉ có các nước châu Á thích ăn thanh long, nhất là thanh long ruột đỏ vì đặc tính ngọt, mát và quan niệm màu đỏ thể hiện sự may mắn, thịnh vượng. Người châu Âu ít dùng hơn nên cũng khó mở thêm thị trường.

 

Trước nguy cơ rất lớn đến từ Trung Quốc, các DN cần đầu tư khâu công nghệ sau thu hoạch, bảo quản chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Đối với thị trường mới, các cơ quan xúc tiến thương mại cần hỗ trợ DN bằng cách tăng cường tiếp thị về hình ảnh, chất lượng trái cây Việt Nam, trong đó có thanh long, để người tiêu dùng thế giới biết đến và tin dùng hơn.

 

 Khó so sánh chất lượng thanh long các nước

 

Lâu nay, ta tự mặc định thanh long Việt Nam có chất lượng tốt nhất, ăn ngon nhất nhưng thực tế chưa có kết quả kiểm định nào chính xác cả. Thanh long Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc cũng có thể trồng đạt chất lượng tốt ngang tương đương. Ngay chính trái thanh long nổi tiếng ở ba tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang cũng khó so sánh về chất lượng. Vì vậy, thương hiệu mới là cái mà DN xuất khẩu thanh long Việt Nam cần tập trung phát triển.

 

PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam

 

Theo Quang Huy

Pháp Luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm