Thanh khoản hệ thống ngân hàng: Xử lý dứt điểm
(Dân trí) - Chính phủ vừa yêu cầu NHNN có phương án giải quyết thanh khoản ngay trong Quý I, từ đó giảm lãi suất ở mức hợp lý vào thời điểm phù hợp. Dựa theo khẳng định của NHNN “thanh khoản hiện rất dồi dào”, nhiều khả năng lãi suất sẽ sớm hạ vào thời gian tới.
Theo Nghị quyết 03 ban hành ngày 8/2, trong phiên họp thường kỳ tháng 1 vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tập trung vào nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, thúc đẩy tăng trưởng.
Theo đó, cơ quan điều hành tiền tệ là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ nắm vai trò chủ đạo để triển khai các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức tín dụng ưu tiên vốn cho một số lĩnh vực, ngành nghề.
Cơ hội trước nhất vẫn được dành cho nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động.
Vấn đề thanh khoản vốn đang rất “nóng” hiện nay được Chính phủ yêu cầu phải có phương án giải quyết ngay trong Quý I này.
Đó cũng chính là cơ sở để sau khi NHNN theo dõi tình hình sẽ có phương án giảm lãi suất tín dụng ở mức hợp lý vào thời điểm phù hợp.
Cùng góp một tay với NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ rà soát, phân loại các doanh nghiệp khó khăn để đề xuất chính sách phù hợp hỗ trợ.
Về “nút thắt” lãi suất trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, lập trường của Chính phủ là thận trọng, tính kỹ về thời điểm hạ lãi suất để cân đối hài hòa các mục tiêu giải cứu doanh nghiệp, đảm bảo tăng trưởng hợp lý và kiềm lạm phát dưới 10%. Khi giảm lãi suất xuống thì yêu cầu lạm phát cũng phải giảm theo để đảm bảo mức lãi suất dương hợp lý (lạm phát hiện tại dù giảm nhưng vẫn còn cao so mặt bằng chung các nước).
Trên thực tế, đại diện phía NHNN, từ Thống đốc Nguyễn Văn Bình đến Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Nguyễn Thị Hồng trong những lần xuất hiện trước báo giới thời gian gần đây đều nhấn mạnh định hướng của cơ quan này: Tiền đề để giảm lãi suất đã có, thể hiện qua con số lạm phát từ tháng 8 đến nay vẫn đang trên đà giảm, song mức độ và thời điểm hạ lãi suất xuống như thế nào thì vẫn còn chưa có kết luận cụ thể.
Một cơ sở nữa là vấn đề thanh khoản, theo như khẳng định của bà Hồng, với sự hỗ trợ của NHNN trong dịp Tết vừa qua, hiện “thanh khoản của các tổ chức tín dụng đã rất dồi dào”.
Số liệu của NHNN cho thấy, trong dịp Tết Âm lịch vừa qua, cơ quan này đã bơm ròng 71.000 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) và hút về 57.000 tỷ đồng ngay sau Tết.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam của một số định chế tài chính nước ngoài như HSBC, ANZ mới đây, các ngân hàng này cũng giữ nhận định, cho rằng Chính phủ sẽ giảm lãi suất. Song theo như khuyến nghị của ANZ, động thái này nên được đưa ra sau quý I nhằm giữ mốc lạm phát cuối năm có thể trong vòng kiểm soát dưới 10%.
Bích Diệp