1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thanh khoản dồi dào, ngân hàng tung khuyến mại, ưu đãi lãi suất

Việc các ngân hàng áp dụng các gói lãi suất cho vay ưu đãi và giữ được mặt bằng lãi suất ổn định trong khi tỉ lệ nợ xấu hệ thống vẫn kiềm giữ dưới mức 3% là một dấu hiệu phản ánh sức khỏe hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung đã cải thiện hơn trước.

Thảo luận tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sáng ngày 7/10, một số ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay của Việt Nam đang ở mức cao. Tuy nhiên, dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), mức lãi suất cho vay ở Myanmar là 13%, Thái Lan 6,6%, Philippines là 5,5%, Singapore là 5,5%, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá, lãi suất cho vay ngắn hạn ở Việt Nam là thấp còn lãi suất trung, dài hạn (9-11%) là không lớn so với các nước cùng khu vực.

Trên thực tế, dưới nhiều hình thức khác nhau, với nguồn thanh khoản dồi dào, các ngân hàng vẫn đang tích cực đẩy mạnh hoạt động cho vay, nhất là trong bối cảnh càng về cuối năm nhu cầu vốn càng lớn.

Khách hàng giao dịch tại VIB
Khách hàng giao dịch tại VIB

Theo số liệu được cập nhật bởi Phó Thống đốc, 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng đã đạt 11,74%, cao hơn mức 11% của cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 18-20% trong năm nay.

Trong khi đó, cập nhật số liệu tuần cuối tháng 9 (từ 26 đến 30/9) cho thấy, sự dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao. Cụ thể, thông qua kênh tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 13.231 tỷ đồng từ thị trường và lũy kế trong 18 tuần qua, tổng cộng Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tổng cộng 103.227 tỷ đồng qua kênh này.

Đáng lưu ý mức lãi suất của tín phiếu kỳ hạn 14 ngày phát hành bởi NHNN tiếp tục xoay quanh mức rất thấp 0,5%/năm, và gần bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (cũng đang duy trì ở mức thấp xấp xỉ 0,5%/năm).

Diễn biến này cho thấy, nguồn lực thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng khi bắt đầu vào mùa vụ cuối năm rất tốt. Đây là cơ sở để các ngân hàng đưa ra những chính sách lãi suất hợp lý phục vụ nền kinh tế.

Hiện bên cạnh đối tượng khách hàng doanh nghiệp, một số ngân hàng đang mở "hầu bao" nhắm đến đối tượng khách hàng cá nhân, kích thích tiêu dùng thông qua các gói ưu đãi, các chương trình khuyến mại.

Lấy ví dụ, mới đây, Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng đã công bố áp dụng lãi suất vay ưu đãi từ 6,99%/năm cho các khoản vay có thời hạn trên 12 tháng và tặng 2 triệu đồng vào tài khoản cho 150 khách hàng giải ngân sớm. Đây là ưu đãi sớm (áp dụng từ tháng 10/2016) trong chương trình “Đón Giáng sinh, ai cũng có quà” được ngân hàng này triển khai từ 6/10 đến 31/12/2016.

Cụ thể, ông Godfrey Swain – Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho biết, với chương trình này, khách hàng sẽ có nhiều chọn lựa lãi suất ưu đãi từ 6,99%/năm khi vay mua ô tô và từ 7,49%/năm khi vay mua/xây dựng/sửa chữa nhà, vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, vay cá nhân kinh doanh và vay du học. Lãi suất sau thời gian ưu đãi sẽ được tính bằng lãi suất cơ sở cộng biên độ 3,99%/năm. Thêm vào đó, 50 khách hàng đầu tiên mỗi tháng giải ngân từ 500 triệu đồng tại ngân hàng này sẽ được tặng 2 triệu đồng vào tài khoản (tổng cộng 150 khách hàng trong 3 tháng 10, 11 và 12/2016).

Chương trình cũng dành tặng phiếu mua sắm trị giá đến 3 triệu VNĐ và hàng ngàn phần quà gia dụng cao cấp cho khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ tại VIB. Theo đó, các khách hàng tham gia bảo hiểm với mức phí thường niên từ 15 triệu đồng trở lên sẽ được tặng bộ hộp cơm giữ nhiệt Lock & Lock, bình đun nước siêu tốc hoặc máy xay ép đa năng Philips. Ngoài ra, với mức phí thường niên từ 25 triệu đồng, khách hàng sẽ có thêm cơ hội nhận phiếu mua sắm điện máy Nguyễn Kim trị giá từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Nhìn chung, cuộc chạy đua cho vay tiêu dùng đang được các ngân hàng thương mại đẩy mạnh triển khai giai đoạn này thường bao gồm cho khách hàng vay mua nhà, mua ô tô, hộ kinh doanh vay vốn bổ sung sản xuất, tiểu thương…

Lý giải cho xu hướng này, anh Hoàng Thắng, nhân viên một ngân hàng lớn có trụ sở tại TPHCM cho biết: "Thông thường, 3 tháng cuối năm luôn là khoảng thời gian sức mua tăng mạnh nhất ở đa số loại hình hàng hóa và dịch vụ. Do đó, đây chính là thời điểm 'vàng' để các ngân hàng tăng mạnh khối vay tiêu dùng, tăng lợi nhuận".

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc các ngân hàng áp dụng các gói lãi suất cho vay ưu đãi và giữ được mặt bằng lãi suất ổn định trong khi tỉ lệ nợ xấu hệ thống vẫn kiềm giữ dưới mức 3% là một dấu hiệu phản ánh sức khỏe hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung đã cải thiện hơn trước.

Hoài Thương