1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thanh Hóa phát triển du lịch trở thành kinh tế trụ cột

(Dân trí) - Với tiềm năng về tài nguyên du lịch, Thanh Hóa cũng cần phấn đấu đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2045 phát triển du lịch thành ngành kinh tế trụ cột chính.

Ngày 4/7, tại Thanh Hóa, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Trong giai đoạn 2010 - 2020, Thanh Hóa đạt được nhiều thành tựu quan trọng như đột phá về tốc độ tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân hàng năm ước đạt 10,3%/năm, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và trong nhóm ít các tỉnh dẫn đầu cả nước.

Thanh Hóa phát triển du lịch trở thành kinh tế trụ cột - 1

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình  cho rằng, Thanh Hóa cần có bước đi và lộ trình phù hợp.

Năm 2019, thu ngân sách của tỉnh đạt 23.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2020, thu ngân sách của tỉnh ước đạt 28.967 tỷ đồng, gấp 5,5 lần năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 11 cả nước.

Ngoài ra, Thanh Hóa cũng có đột phá về thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 132 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 14,13 tỷ USD , đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 8 cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, phát triển của Thanh Hóa vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Thanh Hoá chưa thực sự đảm đương được vai trò trung tâm, động lực phát triển của khu vực, chưa khắc phục được những khó khăn, vướng mắc nảy sinh và những thách thức mới.

Để đảm bảo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa, Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo 281-QĐ/TW triển khai xây dựng Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” do ông Nguyễn Văn Bình Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng Ban.

Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan Thường trực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa triển khai xây dựng Đề án. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị sẽ xem xét, ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại buổi hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ghi nhận các kết quả to lớn Thanh Hóa đã đạt được thời gian qua. Mặc dù, so với tiềm năng chỉ là bước đầu nhưng đã cho thấy có những bước khởi sắc rất mạnh mẽ, đã vươn lên đứng đầu vùng Bắc Trung bộ và nằm trong các tỉnh dẫn đầu của cả nước.

Với các kết quả đạt được và tiềm năng, lợi thế to lớn của tỉnh, mục tiêu phát triển Thanh Hóa không phải chỉ đối với Thanh Hóa mà cho cả vùng và cả nước, không chỉ đối với phát triển kinh tế xã hội mà còn cả quốc phòng an ninh. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định cho xây dựng đề án để tiến tới ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Thanh Hóa tới 2030, tầm nhìn 2045.

Trưởng Ban kinh tế Trung ương cũng khẳng định, trong thời gian tới Thanh Hóa phát triển theo hướng công nghiệp, đây là hướng đi khả thi, đúng đắn. Tuy nhiên Thanh Hóa phải có bước đi, có lộ trình, có trọng tâm trọng điểm.

"Hiện nay Thanh Hóa đã có Khu kinh tế Nghi Sơn, có nhà máy lọc hóa dầu, bước tiếp theo Thanh Hóa cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ sau lọc hóa dầu nhằm tận dụng tối đa các sản phẩm từ lọc hóa dầu. Qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm lên nhiều lần nữa" - ông Bình nói.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học cũng nêu bật những tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thanh Hóa và đề xuất các hướng đi trong thời gian tới.

Phó Giáo sư, tiến sỹ  Phạm Trung Lương - Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lich - cho biết: “Với tiềm năng về tài nguyên du lịch, Thanh Hóa cũng cần phấn đấu đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Không những tạo tiền đề trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh sau những năm 2030 mà còn góp phần đảm bảo an ninh, quyền chủ biên giới của đất nước. Đến năm 2045, phát triển du lịch từ vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trở thành ngành kinh tế trụ cột chính”.

Tiến sỹ Dương Đình Giám - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam - cho rằng từ nay đến năm 2030, Thanh Hóa cần tập trung phát triển mạnh các ngành như: Lọc, hóa dầu (với trọng tâm là hóa dầu); Cơ khí chế tạo; Luyện kim; Năng lượng; và một số ngành sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu (Dệt may, Da giày, Điện tử...)

Bình Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm