Thanh Hóa cần hạn chế xuất thô các sản phẩm hóa dầu Nghi Sơn
(Dân trí) - Mặc dù đã có những phát triển vượt bậc, nhưng nhờ sở hữu một trong những tổ hợp lọc hóa dầu hiện đại nhất nước, Thanh Hóa cần hạn chế xuất thô, hướng vào nâng giá trị gia tăng bền vững.
Gợi ý của ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế trung ương cùng nhiều chuyên gia kinh tế, giới chức tại Hội thảo “Phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vừa được diễn ra tại Thanh Hóa.
Thời gian qua, Thanh Hóa đã phát triển trở thành động lực tăng trưởng lớn của Bắc Trung bộ, với GRDP tăng từ 22,3% (2011) lên 32,4% (2019) và dự kiến đạt mức 35% vào năm 2020, (ước đạt trên 229 nghìn tỷ đồng, gấp 4,5 lần năm 2010 (50,8 nghìn tỷ đồng).
Nhờ làm tốt công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà Thanh Hóa đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong thời gian dài, giá trị tổng sản phẩm (GRDP) ước đạt 10,3%, (cả nước 6,78%), đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Theo báo cáo của Thanh Hóa, trong 5 năm qua, kinh tế địa phương có sự dịch chuyển nhanh chóng về cơ cấu và chất lượng tăng trưởng, từ tỉnh nông nghiệp, lâm nghiệp, địa phương này đã khai thác tốt lợi thế kinh tế biển, phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao như lọc hóa dầu, chế biến chế tạo...
Năng suất lao động hiện ước đạt 101 triệu đồng/người, gấp 2,07 lần năm 2015 và 4,3 lần năm 2010, ước tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 11%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước (5,8%).
GRDP bình quân đầu người hiện ước đạt 2.670 USD, gấp 3,3 lần năm 2010, thu nhập bình quân đầu người hiện ước đạt 43,5 triệu đồng/năm, gấp 4,3 lần năm 2010.
Nhờ kinh tế tăng trưởng cao và kéo dài, thu ngân sách tăng rất nhanh và khá bền vững, đứng thứ hai vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (sau Đà Nẵng) và đứng thứ 11 cả nước với mức tăng bình quân 22,7%/năm, năm 2019 đạt 26.642 tỷ đồng, gấp 5,1 lần năm 2010, gấp 22,6 lần năm 2004.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định, Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt với truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng; có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh; có nhiều tiềm năng, lợi thế với nguồn lực to lớn về đất đai, con người, giao thông thuận tiện.
mục tiêu phát triển Thanh Hóa không phải chỉ đối với Thanh Hóa mà cho cả vùng và cả nước, không chỉ đối với phát triển kinh tế xã hội mà còn cả quốc phòng an ninh, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định cho xây dựng đề án để tiến tới ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Thanh Hóa tới 2030, tầm nhìn 2045.
"Về hướng phát triển thời gian tới, với tiềm năng to lớn đa dạng trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, kinh tế biển…, Thanh Hóa cần có bước đi và lộ trình phù hợp, trong mỗi giai đoạn cần xác định trọng tâm trọng điểm", Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế trung ương cho hay.
Ông Bình đề nghị Thanh Hóa phải là một tỉnh công nghiệp, trong đó đối với tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, bên cạnh lọc dầu.
"Thanh hóa cần có cụm công nghiệp để sử dụng hết đầu ra của tổ hợp, tránh xuất thô, thay vào đó tạo ra các sản phẩm hóa dầu có giá trị gia tăng cao, đem lại nguồn thu lớn hơn nhiều cho tỉnh", ông Bình gợi ý.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế trung ương, với đặc thù đất rộng, người đông, tỉnh Thanh Hóa cần phát triển nông nghiệp nhằm đảm bảo sinh kế, thu nhập của nhân dân và đảm bảo các vấn đề trật tự an toàn xã hội.
"Tỉnh cần khai thác các lợi thế để phát triển kinh tế biển; quan tâm vấn đề liên kết vùng; tập trung khai thác tốt nguồn lực lớn của Thanh Hóa về văn hóa và con người phục vụ quá trình phát triển bền vững và lâu dài của địa phương", ông Bình cho hay.
An Linh