Tháng 8, WB tham gia tái cấu trúc ngân hàng Việt Nam

(Dân trí) - Dự kiến trong tháng tới, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ làm việc với Chính phủ để thực hiện việc đánh giá lại toàn bộ ngành tài chính, từ đó đưa ra khuyến nghị cụ thể để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực này.

Bà Pamela Cox (ảnh: WB).
Bà Pamela Cox (ảnh: WB).

Trong buổi họp báo tại Hà Nội chiều 26/7, nhân chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam kể từ khi được bổ nhiệm vào đầu năm 2012, bà Pamela Cox, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết, trong tháng tới WB sẽ đưa một nhóm chuyên gia trong lĩnh vực tài chính sang Việt Nam để giúp Chính phủ xác định chính xác các bước cần thực hiện khi tái cấu trúc ngành ngân hàng.

“Chúng tôi sẽ làm việc với Chính phủ để thực hiện việc đánh giá lại toàn bộ ngành tài chính, từ đó đưa ra khuyến nghị cụ thể để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực này. Dự kiến trong tháng tới, chúng tôi sẽ thực hiện công việc này ở Việt Nam” - lãnh đạo WB hứa hẹn.

Do ngân hàng là một lĩnh vực phức tạp do đó, theo nhìn nhận của bà Cox, để thực hiện tái cấu trúc cần phải đánh giá một cách cụ thể, rõ ràng nhất là các khoản nợ xấu. Đồng thời, cũng không thể áp dụng một mô hình chuẩn nào cho tất cả các tình huống xảy ra.

Ở nội dung tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, WB cho biết sẽ giúp Việt Nam phân loại và cung cấp các kinh nghiệm quốc tế để giúp tái cấu trúc khu vực này.

Đánh giá về tiến độ giải ngân các dự án ODA ở Việt Nam, bà Cox cho rằng, việc giải ngân là "quá chậm". Song, bà có giải thích, việc giải ngân chậm tức là không phát sinh việc "tiêu tiền". Đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, Bộ Tài chính cam kết cung cấp đủ vốn đối ứng. Tỷ lệ vốn được giải ngân đã gia tăng.

Trong vai trò Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, bà Pamela Cox quản lý nhân viên tại 22 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, và một danh mục đầu tư trị giá 29,7 tỷ USD. Khoản đầu tư của WB dành cho các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình trong khu vực trong năm tài chính 2012 là 6,6 tỷ USD và tín dụng dành cho Việt Nam là gần 1,15 tỷ USD.

Chiến lược Đối tác Quốc gia của Ngân hàng Thế giới với Việt Nam (CPS) 2012 – 2016 hỗ trợ ba lĩnh vực đột phá của Việt Nam là phát triển nguồn nhân lực, tăng cường thể chế thị trường, và phát triển cơ sở hạ tầng. Chiến lược này hỗ trợ các khoản đầu tư và chính sách trong một khuôn khổ chiến lược gồm ba trụ cột và ba chủ đề xuyên suốt. 

Trong chuyến thăm lần này, vị lãnh đạo của WB đã gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và các đối tác khác để thảo luận những thách thức và cơ hội phát triển của Việt Nam.

Bích Diệp