Thận trọng với việc thành lập các tập đoàn kinh tế

Việc thành lập các tập đoàn kinh tế đã và đang được xúc tiến mạnh như một phong trào. Điều này liệu có lành mạnh đối với nền kinh tế? Tòa soạn xin giới thiệu ý kiến của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt về vấn đề này.

Hiện nay, việc xây dựng các tập đoàn kinh tế nhà nước đang diễn ra khá rộng mà chưa thấy có đủ cơ sở phân tích khoa học và thực tiễn kinh nghiệm cần thiết. Thực tế mô hình này đã có thành công ở một số quốc gia, trong những giai đoạn nhất định, nhưng cũng không ít nền kinh tế bị chao đảo vì chịu ảnh hưởng nặng bởi sự thua lỗ của các tập đoàn kinh tế.

Các tập đoàn kinh tế của các nước trên thế giới có lịch sử khá lâu. Hầu hết các tập đoàn đều xuất phát từ các công ty gia đình nhỏ, nhưng hoạt động rất hiệu quả, dưới sự lãnh đạo của những nhà quản lý giỏi dần trở thành tập đoàn khổng lồ. Quá trình này không diễn ra nhanh chóng mà thường phải mất hàng chục năm, gần như không có tập đoàn nào hình thành trong thời gian vài ba năm.

Các tổ chức kinh tế gọi là lớn của chúng ta (các tổng công ty 90, 91) là nền tảng để hình thành các tập đoàn, nói chung quy mô còn khiêm tốn. Thêm nữa, khả năng quản lý hệ thống, quản lý theo mô hình công ty mẹ - công ty con, vấn đề sở hữu... còn nhiều bất cập. Yếu tố then chốt đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động tốt là cơ chế quản lý, quan hệ giữa người trực tiếp điều hành doanh nghiệp với Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu lại chưa được làm rõ, thực tế hiện nay ở ta vẫn là chia sẻ trách nhiệm.

Thận trọng với việc thành lập các tập đoàn kinh tế - 1
  

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Khi xảy ra sự cố, người điều hành doanh nghiệp thường đẩy trách nhiệm lên trên. Như vậy, người trực tiếp điều hành vừa không đủ quyền tự chủ lại không phải chịu trách nhiệm về kết quả điều hành của mình dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Do đó, tình trạng lạm dụng tài sản của Nhà nước mưu lợi cho cá nhân: lợi thì doanh nghiệp hưởng, thua thiệt thì Nhà nước chịu vẫn phổ biến mà điển hình là sự yếu kém về quản lý dẫn đến các vụ bê bối ở Tổng công ty Dầu khí, Tổng công ty Điện lực (nay đã thành tập đoàn)... Trong khi đó, quan hệ trách nhiệm giữa người trực tiếp điều hành doanh nghiệp với chủ sở hữu ở các nước khác đã được xác định rạch ròi từ nhiều chục năm nay.

Các tổng công ty của ta yếu kém trong quản lý, trách nhiệm không rõ ràng chứ không phải yếu do quy mô và cơ cấu sản phẩm. Dưới cái vỏ mới tập đoàn kinh tế như hiện nay, nhưng thực chất vẫn vận hành với chế độ sở hữu cũ, những con người cũ, phần lớn vị trí chủ chốt được bổ nhiệm vì lý do chính trị chứ không dựa trên năng lực quản trị kinh doanh - điều tối cần thiết của người đứng đầu doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh... vì vậy, cũng không thể kỳ vọng có thể khắc phục được những khiếm khuyết, bất cập của cac tổng công ty lớn của chúng ta.

Hiện các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nắm giữ khối tài sản quốc gia rất lớn: 70% tổng tài sản cố định, 20% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư của nhà nước, 60% tín dụng ngân hàng và 70% nguồn vốn ODA..., trong đó hơn 80% do các tổng công ty lớn đã hoặc sắp thành tập đoàn nắm giữ.

Với khối tài sản lớn như vậy, nếu không cải thiện được hiệu quả hoạt động của khu vực này; vẫn tiếp tục tình trạng làm ăn thua lỗ, yếu kém thì tác hại của nó ở quy mô tập đoàn còn lớn hơn nhiều so với các tổng công ty 90, 91.

Việc ra đời các tập đoàn kinh tế, theo tôi cảm nhận dường như thiếu sự chuẩn bị kỹ và tuy được xem như làm thí điểm, nhưng những kết quả, mô hình hợp lý thì chưa thấy rõ lại tiếp tục mở rộng, thành lập thêm nhiều tập đoàn.

Sự bành trướng của các tập đoàn sang mọi lĩnh vực kinh doanh khác vừa đi ngược chủ trương “Nhà nước và DNNN sẽ tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân”; vừa phân tán lực lượng và sức cạnh tranh của DNNN, vừa không giải phóng được những nguồn lực do các DNNN nắm giữ mà không sử dụng có hiêu quả, vừa thêm khó cho Nhà nước trong việc kiểm soát các tập đoàn này.

Đồng thời, các tập đoàn lại chiếm thêm phần thị trường, các nguồn lực vật chất và cơ hội kinh doanh vốn đã khiêm tốn cho khu vực tư nhân và doanh nghiêp vừa và nhỏ của Việt Nam khiến khu vực này khó cải thiện được năng lực cạnh tranh, khó lớn lên để phát huy vai trò quan trọng của nó trong nền kinh tế.

Tôi có gặp một số lãnh đạo các doanh nghiệp chủ chốt đã lên tập đoàn và sắp lên tập đoàn. Qua tìm hiểu, sự chuẩn bị các mặt từ tổng công ty lên tập đoàn (như trên tôi nói) chưa tốt, có tập đoàn sau khi hình thành, mở rộng các lĩnh vực kinh doanh khác trong lúc quản lý sản phẩm chủ yếu cua mình chưa phải tốt.

Dưới cái vỏ mới tập đoàn kinh tế như hiện nay, nhưng thực chất vẫn vận hành với chế độ sở hữu cũ, những con người cũ... không thể kỳ vọng có thể khắc phục được những khiêm khuyết, bất cập của các tổng công ty lớn của chúng ta.

Gần đây, có hiện tượng các tập đoàn đua nhau đưa ra những dự án đầu tư quy mô lớn và tranh thủ xin phê duyệt, một số đã được chấp thuận. Tôi thấy có nhiều vấn đề bất ổn trong các dự án này: một là, thiếu quy trình thẩm định khoa học, khách quan, nghiêm túc để đánh giá tính khả thi và hiệu quả của dự án một cách toàn diện về kinh tế, xã hội, môi trường; hai là, thiếu cơ sở để đánh giá đúng năng lực của các tập đoàn chủ trì thực hiện, quản lý và vận hành dự án (phần nhiều là yếu hơn những gì họ cam kết với Nhà nước); ba là, cách các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng nhà nước cam kết hợp vốn đầu tư qua lại cho nhau để làm các dự án lớn vừa không đủ minh bạch, vừa kém khả thi, vừa khó giám sát. Hậu quả cuối cùng có thể là những tổn thất lớn mà nền kinh tế của ta phải gánh chịu.

Trong bối cảnh hội nhập, nước ta sẽ phải mở cửa nền kinh tế mạnh hơn nữa, môi trường kinh doanh ở Việt Nam sẽ cạnh tranh gay gắt hơn. Số lượng và vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài, các công ty đa quốc gia trong nền kinh tế sẽ ngày càng tăng. Khi nước ta phải thực hiện hai cam kết WTO về DNNN: DNNN phải hoạt động dựa trên cơ sở thương mại bình thường và mua sắm của DNNN không được coi là mua sắm của Nhà nước sẽ rất khó đảm bảo được.

Các tập đoàn của ta là DNNN có truyền thống dựa vào bao cấp vê nhiều mặt, không dễ từ bỏ thói quen cũ, nếu từ bỏ không dễ đứng nổi trong cạnh tranh; đồng thời các đơn vị này sẽ thường xuyên bị các đối thủ cạnh tranh soi xem có vi phạm cam kết WTO không.

Nếu có vi phạm, không những bản thân doanh nghiệp đó bị thổi còi mà Chính phủ và cả ngành đó có thể bị trừng phạt lây. Khi các tập đoàn không thể đứng vững, mà với các điều kiện hiện tại thì không có gì đảm bảo các tập đoàn được thành lập sẽ hoạt đông tốt hơn DNNN hiện nay, vậy ai sẽ nắm giữ những nguồn lực và sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam.

Chính vì những lý do trình bày trên, tôi đề nghị hết sức thận trọng xem xét việc thành lập các tập đoàn kinh tế, dự phòng nhiều phương án và tiến hành thận trọng hơn.

Võ Văn Kiệt
Báo Tuổi trẻ