1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tham nhũng tại Vifon: Ăn chặn hơn 4 tỷ đồng tiền thưởng của công nhân

(Dân trí) - Số tiền hơn 4 tỷ đồng từ quỹ khen thưởng, phúc lợi của công ty đã bị các “sếp” của Công ty kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) bắt tay nhau lập quyết định khen thưởng trái phép, chiếm đoạt rồi tự chia nhau ăn xài.

“Bộ sậu” Công ty Vifon tại tòa
“Bộ sậu” Công ty Vifon tại tòa

TAND TP.HCM đang xét xử vụ án tham nhũng tại Công ty Vifon. Cùng với những vụ tham nhũng gây chấn động dư luận khác, vụ tham nhũng tại Vifon được cho là một trong 10 “đại án” được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo xét xử từ cuối năm 2013 và đầu năm 2014.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Theo cáo trạng của TAND, lợi dụng doanh nghiệp đang cổ phần hóa, lãnh đạo Công ty Vifon đã lập nhiều phiếu chi khống để chiếm đoạt tiền của nhà nước và các cổ đông gây thiệt hại gần 20 tỷ đồng.
 
Cơ quan công tố xác định chủ mưu trong vụ án này là bị cáo Nguyễn Thanh Huyền (58 tuổi, ngụ quận 10 nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Vifon) bị truy tố về các tội “Tham ô và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; Ông Nguyễn Bi (64 tuổi, ngụ quận 7 nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty Vifon) bị buộc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài ra, 3 cựu cán bộ khác của công ty này là Đàm Tú Liên (52 tuổi, nguyên kế toán trưởng), Dương Thị Mẫn (66 tuổi, nguyên kế toán thanh toán) và Ca Thị Thu Hồng (56 tuổi, nguyên thủ quỹ) cùng bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Công ty Vifon được thành lập năm 1993, là doanh nghiệp nhà nước hạch toán độc lập do ông Nguyễn Bi làm tổng giám đốc, bà Nguyễn Thanh Huyền làm kế toán trưởng. Năm 2004, Vifon chuyển từ doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần (51% vốn Nhà nước), ông Bi tiếp tục giữ chức chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, bà Huyền làm phó tổng giám đốc phụ trách tài chính và bà Đàm Tú Liên làm kế toán trưởng.

Năm 2006 ông Bi đã chỉ đạo Huyền chuyển gần 2,3 tỷ đồng của công ty (là tiền hoàn thuế nhập khẩu) vào tài khoản người thân của mình để chiếm đoạt. Trước đó, vào năm 2005, vị tổng giám đốc còn tự ý lập quyết định khen thưởng trái phép lấy 290.000 USD (trên 4 tỷ đồng) từ quỹ khen thưởng, phúc lợi của công ty để cùng chia với 7 lãnh đạo Vifon. Trong khi theo chỉ đạo của Bộ Công thương, số tiền này phải được chia đều cho tất cả các cán bộ, công nhân viên công ty.

Giai đoạn trước đó, từ năm 2002 đến 2006, ông Bi và bà Huyền đã cấu kết với nhau chỉ đạo, thực hiện hạch toán sai tài khoản, sai nguồn vốn nhằm lấy tiền của nhà nước và các cổ đông để đưa vào huy động vốn cho cá nhân rồi sau đó rút ra chiếm đoạt. Cụ thể, vào tháng 8/2003, Huyền lập phiếu chi khống số tiền 80.000 USD với nội dung khen thưởng cho một cán bộ trong công ty, đưa cho ông Bi ký duyệt nhưng thực chất là để chiếm đoạt sử dụng riêng.

“Bộ sậu” Công ty Vifon tại tòa
Ông Nguyễn Bi đổ lỗi cho cấp dưới và cho rằng số tiền 2,3 tỷ đồng ở tài khoản của con rể ông là do bà Huyền chuyển nhầm!

Với thủ đoạn như trên, năm 2005, Huyền tiếp tục lập khống 2 phiếu chi thưởng đưa cấp trên ký duyệt để chiếm đoạt số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Tại tòa bà Huyền khẳng định tất cả các phi vụ đều do “sếp” là ông Nguyễn Bi chỉ đạo. Số tiền 2,3 tỷ đồng này, bà Huyền khai đã chuyển thẳng vào tài khoản của Mai Long Thanh Tùng (con rể của Bi). Tuy nhiên, về khoản tiền này thì Nguyễn Bi chối và cho rằng không biết tiền đó từ đâu, chắc là có sự nhầm lẫn nào đó nên Huyền chuyển nhầm vào tài khoản cho mình!

Ngoài ra, chỉ trong năm 2003, trong quá trình liên doanh, công ty TNHH Xay lúa mì Việt Nam đã hỗ trợ cho Công ty Vifon 400.000 USD sau khi đơn vị này rút lui. Với ý định chiếm khoản tiền này, bà Huyền đã chỉ đạo cấp dưới lập nhiều chứng từ thu chi khống để chuyển thành tiền cá nhân.

Xoay quanh “đại án” tham nhũng tại Công ty Vifon đang được xét xử, còn rất nhiều uẩn khúc về hàng chục tỷ đồng chưa được làm rõ. Hiện HĐXX buộc những người liên quan phải giải thích chi tiết trong phiên tòa diễn ra vào sáng 25/11.

Trung Kiên
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước