Thái Nguyên hoàn thành tốt việc thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp

Kết hợp với sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân và doanh nghiệp, Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên đã tổ chức thực hiện tốt chủ trương của tỉnh về thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp.

Là một tỉnh trung du miền núi giáp với thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển các khu công nghiệp (KCN) để thu hút đầu tư; ngoài hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các KCN đang được đầu tư hoàn thiện, giao thông đối ngoại của các KCN cũng rất thuận tiện.

Không những vậy, hệ thống các trường đại học, cao đẳng và các trường đào tạo nghề với 9 trường đại học, 23 trường cao đẳng và 52 trường dạy nghề hàng năm đào tạo hàng trăm nghìn lao động cung cấp cho Thái Nguyên và các tỉnh.

Lễ ký kết thỏa thuận thuê đất thực hiện dự án của Công ty ALUKO - Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Điềm Thụy (Thái Nguyên)
Lễ ký kết thỏa thuận thuê đất thực hiện dự án của Công ty ALUKO - Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Điềm Thụy (Thái Nguyên)

Nhằm phát huy thế mạnh này, đồng thời thực hiện chủ trương thu hút đầu tư phát triển các KCN của Đảng và Nhà nước, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập một số KCN để thu hút đầu tư nói chung, đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng, coi đó là nguồn lực tốt để thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thành lập 6 KCN tập trung với diện tích 1.420 ha, bao gồm KCN sông Công I (195 ha), KCN Sông Công II (250 ha), KCN Nam Phổ Yên (120 ha), KCN Yên Bình (400 ha), KCN Điềm Thụy (350 ha), KCN Quyết Thắng (105 ha). Trong 6 KCN đã có 4 khu đi vào hoạt động.

Để làm tốt công tác thu hút đầu tư, Ban quản lý (BQL) các KCN đã tập trung vào công tác cải cách hành chính với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, tiết kiệm thời gian làm thủ tục đầu tư thành lập doanh nghiệp thực hiện dự án và các thủ tục có liên quan đến đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo đó, kết quả thu hút đầu tư đến hết năm 2015 là 136 dự án, trong đó có 73 dự án trong nước, 63 dự án FDI. Riêng 6 tháng đầu năm 2016 đã thu hút được 15 dự án, nâng tổng số dự án lên 151 dự án trong 4 KCN đang hoạt động. Trong đó, 77 dự án trong nước với số vốn đăng ký lên đến 11 nghìn tỷ đồng, 74 dự án nước ngoài với số vốn đăng ký 7 tỷ USD, chiếm 97,2% vốn FDI đăng ký trên toàn tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản từ hoạt động của KCN đều có mức tăng trưởng trên 17% như kim ngạch xuất khẩu đạt gần 10 tỷ USD tăng 18,5%, nhập khẩu ước đạt 8,2 tỷ USD tăng 17,2%, nộp ngân sách 2.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra kỹ thuật hệ thống xử lý nước thải của nhà máy trong Khu công nghiệp Điềm Thụy (Thái Nguyên).
Cán bộ kỹ thuật kiểm tra kỹ thuật hệ thống xử lý nước thải của nhà máy trong Khu công nghiệp Điềm Thụy (Thái Nguyên).

Mặc dù sự phát triển KCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả quan trọng nói trên, song quá trình phát triển vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Tuy nhiên thời gian tới, BQL các KCN Thái Nguyên tiếp tục kế thừa, phát triển những thành công trong thời gian qua, gắn với khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế để tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu.

Tiếp tục rà soát, phân tích, đánh giá và đề xuất trình cấp độ có thẩm quyền xem xét bổ sung vào danh mục các KCN theo hướng những KCN có lợi thế so sánh tốt với tính khả thi cao và kiên quyết đưa ra khỏi Danh mục những KCN có lợi thế thấp, không có khả năng triển khai. Thêm vào đó, huy động mọi nguồn lực kinh tế tập trung cho phát triển nền kinh tế xã hội vững mạnh.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, tiết giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục để bảo đảm thời gian cho tất cả các lĩnh vực chỉ bằng 1/10 thời gian so với quy định.

Chủ động nắm bắt những khó khăn phát sinh trong hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp, thay đổi phương thức vận động, xúc tiến đầu tư theo hướng hiệu quả, coi trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, định hướng lựa chọn lĩnh vực ngành thu hút đầu tư phù hợp vào KCN, ưu tiên thu hút dự án đầu tư lớn công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện môi trường.

Dựa vào sự phát triển hiện tại, tương lai, rất nhiều kì vọng rằng các KCN tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, sớm đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.

PV