Thái Bình: Chuyện buồn về một dự án đầu tư

(Dân trí) - Đầu tư 4,8 tỉ đồng sau nhiều năm bỏ không gây bức xúc trong nhân dân đã được tỉnh khắc phục bằng cách bán cho một doanh nghiệp nước ngoài không qua đấu thầu với giá 2,4 tỉ đồng. Trách nhiệm này được trả lời là do tập thể...

Đầu tư 4,8 tỷ để bán lại 2,4 tỷ

Tháng 7/2001, UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt dự án Nhà máy Chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu với diện tích xây dựng lên tới 30.160m2 tổng vốn đầu tư (ban đầu) hơn 33,5 tỉ đồng trong đó có 8,5 tỉ đồng từ nguồn vốn Nhà nước. Hai đơn vị được giao làm chủ đầu tư là UBND huyện Thái Thụy và Công ty Hải sản Thái Bình.

Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy sẽ được khánh thành vào năm 2004 với công suất 3.000 tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, sau khi  thực hiện xong giai đoạn 1 của dự án với số tiền hơn 4,8 tỉ đồng, Công ty Hải sản Thái Bình đã từ chối tiếp nhận và quản lý nhà máy với những lý do: Thư nhất, để đưa nhà máy vào hoạt động, doanh nghiệp cần phải đầu tư thêm trên 20 tỉ đồng bằng vốn vay ngân hàng nên kinh doanh không đạt hiệu quả, không có lãi. Thứ hai, đây là dây chuyền sản xuất mới, công suất lớn trong khi chưa quy hoạch được vùng nguyên liệu nên sẽ không thể khai thác đủ nguyên liệu để phục vụ sản xuất.

Trước tình thế này, UBND tỉnh Thái Bình đã ra quyết định dừng đầu tư và tìm cách khắc phục hậu quả. Từ năm 2003 tới năm 2006, cùng với kêu gọi các nhà đầu tư, UBND tỉnh đã cắt 1,4 ha đất của dự án chưa xây dựng cho 4 doanh nghiệp của huyện Thái Thụy thuê đầu tư kinh doanh các ngành nghề khác. Tuy nhiên chưa khắc phục được hậu quả của việc đầu tư dở dang và giải quyết tình trạng lãng phí vốn đầu tư.

Sau 3 năm để công trình dở dang như vậy ngày 21/7/2006, UBND Thái Bình có Quyết định số 1491/QĐ-UB về nhượng bán nhà máy cho Công ty TNHH thực phẩm Rich Beauty Việt Nam (100% vốn Đài Loan) với giá 2,4 tỉ đồng.

Điều đáng nói ở đây là việc nhượng bán nhà máy mà không chấp hành quy định của Nhà nước về tổ chức đấu giá, chào hàng cạnh tranh đúng pháp luật, gây thất thoát, lãng phí vốn NSNN.

Trách nhiệm của tập thể

Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư do chưa khảo sát, thiết kế, nghiên cứu kỹ quy hoạch vùng nguyên liệu nên đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án chưa đúng; việc lựa chọn đơn vị tiếp nhận quản lý và điều hành nhà máy không đủ năng lực dẫn đến đầu tư dở dang kéo dài gây thiệt hại kinh tế của nhà nước.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Đình Thạch, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình cho biết: “Trách nhiệm này thuộc về cả tâp thể Thường vụ tỉnh uỷ, và UBND tỉnh, tôi chỉ là người thay mặt cho uy ban đứng ra ký thôi”.

Việc bán nhà máy với giá chỉ bằng 50% giá trị đầu tư là dựa vào các lý do sau: Dự án này đã rơi vào tình trạng dang dở quá lâu, không ai mua… Hơn nữa, doanh nghiệp đến mua lại là đối tác nước ngoài, người ta về đây đầu tư hàng mấy chục triệu đô la để chế biết xuất khẩu sang Nhật.

Nếu mình tạo điều kiện cho họ, họ sẽ thu mua nâng giá đầu vào cho bà con nông dân. Thậm trí, lúc đó mình còn có thể cho không người ta cũng được vì khi họ đầu tư khoa học kỹ thuật vào người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều về năng suất nuôi trồng.

Nếu để cho một ông tư nhân của Việt Nam chẳng hạn, ông mua, ông ấy không có đầu ra, lại sản xuất cầm chừng thì còn chết nữa.

“Việc nhượng bán nhà máy không qua đấu thầu là trái với quy định của nhà nước nhưng đây là một quyết định đúng, tỉnh sẽ chịu trách nhiệm về quyết định này. Nếu anh để bỏ hoang anh còn lãng phí hơn nữa. Bằng mọi cách phải khắc phục để đưa vào hoạt động hiệu quả nhà máy này”, ông Thạch khẳng định.

Thái Bình